Tàu Trung Quốc bao vây phá ngư cụ tàu cá Việt Nam; Số hóa toàn bộ bản đồ, tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa; Khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI... là những tin thời sự nổi bật ngày 11/1.
Tàu cá của ngư dân Cửa Việt về bến
Tàu Trung Quốc bao vây phá ngư cụ tàu cá Việt Nam
Ngày 11/1, thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt (Bộ Chỉ huy BĐBP – Quảng Trị), cho biết, đơn vị này vừa nhận tang vật là những ngư cụ bị phá hỏng của các ngư dân Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt bị tàu Trung Quốc phá hoại khi đang hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo các ngư dân, ngày 3/1, 4 chiếc tàu cá ngư dân Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt mang biển hiệu: QT 90709 – TS, QT 90019 – TS, QT-91019 – TS và QT 91379 – TS cùng với 32 thuyền viên đang hành nghề lưới rê đáy bùng nhùng tại toạ độ 17độ 30N – 107 độ 20E, thì bất ngờ bị 10 chiếc tàu cá của ngư dân Trung Quốc đánh bắt ghẹ (theo hướng Đông Bắc, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 20 hải lý) tiếp cận các tàu cá của ngư dân Quảng Trị và có hành động gây hấn, phá hoại.
Phát hiện sự việc, các ngư dân Quảng Trị đã ra hiệu cho các tàu cá Trung Quốc về việc là thả lưới đánh bắt trên vùng biển hợp pháp thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, một chiếc tàu của Trung Quốc đã hung hăng thả neo rồi kéo rê ngang qua vùng biển mà ngư dân Quảng Trị thả lưới, 9 chiếc tàu còn lại chạy xung quanh chiếc đó tàu để sẵn sàng trợ giúp. Hậu quả, 12 cheo lưới của ngư dân Quảng Trị (tổng giá trị gần 100 triệu) bị hư hỏng hoàn toàn.
Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã báo cáo sự việc lên Bộ Tư lệnh Biên phòng, và trao đổi tình hình với lực lượng Hải Quân vùng 3, Hải đội Cảnh sát biển 202 nhằm có biện pháp ứng phó. Đến 18 giờ 30 phút ngày 4/1, khi tàu Cảnh sát biển Việt Nam có mặt tại hiện trường thì các tàu cá Trung Quốc tháo chạy, bỏ lại một chiếc neo bị đứt do vướng phải lưới của ngư dân Quảng Trị. Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng phối hợp, tiến hành điều tra làm rõ.
Khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
Sáng 11/1, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ thảo luận và thông qua chủ trương ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII, thông qua dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XII. (Xem thêm tại đây)
Bộ Ngoại giao gặp mặt báo chí quốc tế nhân dịp năm mới
Ngày 11/1, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã chủ trì buổi gặp gỡ giữa Bộ Ngoại giao và các phóng viên, trợ lý báo chí các hãng báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam và tùy viên báo chí của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam nhân dịp năm mới 2016. Hơn 70 phóng viên, trợ lý của 27 văn phòng báo chí nước ngoài thường trú và gần 50 đại diện của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam tham dự buổi gặp gỡ hôm nay.
Đây là một sự kiện thường niên nhằm thắt chặt quan hệ giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan báo chí nước ngoài thường trú cũng như tùy viên báo chí của các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam. Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã điểm lại các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2015 và nhấn mạnh vai trò của báo chí nước ngoài tại Việt Nam, những phóng viên ngày đêm theo tin, góp phần làm cho nỗ lực và thành tựu của Việt Nam “được biết đến rộng rãi” và có hiệu ứng lan truyền. Họ chính là “nhịp cầu đưa Việt Nam gần hơn với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam”.
Số hóa toàn bộ bản đồ, tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa
Ngày 11/1, ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho hay vừa phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng hoàn thiện hồ sơ, lý lịch, số hóa bản đồ, tư liệu, ảnh liên quan đến chủ quyền của đất nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 12/2015, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng đã tiến hành sưu tầm, thu thập, chọn lựa thành công 400 bản đồ, ảnh tư liệu, tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa để lập hồ sơ đăng ký vào sổ kiểm kê, lập phiếu hộ chiếu và số hóa toàn bộ. Việc lập hồ sơ, số hóa bản đồ, ảnh tư liệu và tư liện liên quan đến quần đảo Hoàng Sa được tiến hành qua 3 giai đoạn.
Theo ông Võ Công Chánh, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của quần đảo Hoàng Sa - chủ quyền của Việt Nam, các cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc thu thập, chắt lọc, lựa chọn một cách cẩn thận, chính xác các bản đồ, ảnh tư liệu, tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa để lập hồ sơ, số hóa toàn bộ số tài sản vô giá này cho việc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của đất nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Qua đó đã hệ thống bản đồ Hoàng Sa với 169 bản đồ; hệ thống ảnh tư liệu về quần đảo Hoàng Sa với 114 ảnh tư liệu; và hệ thống tư liệu về quần đảo Hoàng Sa với 117 tư liệu. Việc số hóa toàn bộ bản đồ, ảnh tư liệu và tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa được lưu vào 03 đĩa DVD chất lượng cao nhằm giúp cho việc lưu trữ, bảo quản được an toàn.