Sức mạnh đang lên của Việt Nam tại Biển Đông; Đầu tư của người Trung Quốc vẫn trong kiểm soát... là những tin thời sự nổi bật ngày 1/1/2016.
Sức mạnh đang lên của Việt Nam tại Biển Đông
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Washington vừa đăng bài viết của tác giả Hunter Marson - Chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, chính sách đối ngoại Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; từng là thành viên trong nhóm Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á thuộc CSIS và hiện cộng tác với Viện nghiên cứu Brookings của Mỹ đánh giá về sức mạnh quốc phòng của Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại Biển Đông.
Trong đó có nội dung: Trong khi nhiều nhà quan sát chú ý tới những triển vọng của nền kinh tế Việt Nam do sự gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, thì sức mạnh hải quân ngày càng gia tăng của Việt Nam cũng là điều dễ thấy. Việt Nam đã rất nỗ lực thúc đẩy năng lực phòng vệ hải quân trong nhiều năm gần đây, sở hữu 6 tàu bảo vệ bờ biển của Nhật Bản, 6 tàu vận tốc cao của Mỹ trong năm 2015. Việt Nam cũng sẽ triển khai tổng cộng 6 tàu ngầm Kilo do Nga sản xuất đến năm 2017.
Ngày 2 tháng 6 năm 2015, Hải quân Việt Nam nhận bàn giao 2 tàu tên lửa HQ 379 và HQ 380 lớp Molniya
Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược khi thực hiện những động thái ngoại giao mang tính chất đổi mới để làm sâu sắc mối quan hệ đối tác với Mỹ, Nhật Bản và Philippines nhằm phản ứng với những hành động hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện những sáng kiến chiến lược trong việc sẵn sàng thúc đẩy sâu sắc quan hệ đối tác với Mỹ. Quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ được tuyên bố vào tháng 7.2013 bao gồm phối hợp trong xây dựng năng lực hải quân, hỗ trợ về kinh tế, biến đổi khí hậu, giáo dục và thúc đẩy quyền con người. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố hồi tháng 12.2013 về gói viện trợ 18 triệu USD nhằm viện trợ từ 5 - 8 tàu tốc độ cao cho lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam trong những năm tới…
Mặc dù mối quan hệ quân sự với Mỹ đang phát triển, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục các bước đi nhằm hiện đại hóa quân đội mà không hề khiêu khích quốc gia láng giềng nào. Về dài hạn, sức mạnh hải quân mới của Việt Nam có thể cho phép thực hiện nhiều giải pháp chiến lược trong đối phó với những căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt - Mỹ bằng việc duy trì sự hỗ trợ về kinh tế và an ninh, qua đó thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trên lĩnh vực quốc phòng. Trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ trở nên quan trọng hơn trong chính sách an ninh của Mỹ với châu Á.
Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm, làm việc tại Hà Giang
Ngày 1/1, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Đoàn công tác của Bộ Công an đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Hà Giang. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu đạt được trong năm 2015 của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng; đồng thời mong muốn bước sang năm mới 2016 Đảng bộ tỉnh Hà Giang sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên…; Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, kế thừa thành tựu đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, sớm đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của vùng miền núi phía Bắc, xứng đáng là tỉnh địa đầu của Tổ quốc.” - Đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Đầu tư của người Trung Quốc vẫn trong kiểm soát"
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc thời gian gần đây Đà Nẵng rộ lên nhiều thông tin liên quan đến Trung Quốc, vậy liệu những thông tin ấy có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP không?
Chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng đến thời điểm này, mọi hoạt động đầu tư của người nước ngoài tại Đà Nẵng, trong đó có người Trung Quốc vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, đúng pháp luật của chính quyền TP. Thời gian qua người Trung Quốc đến Đà Nẵng du lịch, làm ăn rất đông đã kéo theo nhiều dịch vụ hỗ trợ, nguồn thu của TP cũng nhờ đó mà tăng lên. Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy chưa có hoạt động nào, kể cả việc mua bán đất đai tại các khu vực được cho là “nhạy cảm” vi phạm pháp luật.
Song, cũng theo ông Thơ, việc nhiều người Trung Quốc đến Đà Nẵng thời gian qua cũng khiến cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ít nhiều bị xáo trộn, trong đó có vụ người Trung Quốc sử dụng vũ khí “nóng” đến thanh toán người Trung Quốc do mâu thuẫn trong làm ăn. Việc 64 người Trung Quốc đến Đà Nẵng bằng đường du lịch nhưng sau đó ở lại lao động “chui” và toàn bộ 64 lao động này đã bị trục xuất sau khi bị phát hiện.