Tết đến, xuân về, trên khắp nẻo đường đất nước các dân tộc lại tổ chức rất nhiều những hoạt động vui xuân với các trò chơi dân gian độc đáo. Tu lu (đánh quay) của người Mông chính là một trong những trò chơi như thế.
Với bà con các vùng núi phía Bắc, những trò chơi dân gian trong những lễ hội đầu xuân luôn có sức hút rất lớn, như ném pao, kéo co, đẩy gậy hay tu lu... ,nhưng không giống với những trò chơi khác, trò đánh quay (tu lu) chỉ dành riêng cho những chàng trai khỏe mạnh. Cuộc chơi thường có sự tham gia của từ 2 đội trở lên, mỗi đội cũng ít nhất có 2 người.
Tu lu hấp dẫn người chơi bởi cách chơi khá đơn giản. Trên một bãi đất rộng khoảng hơn 50m2, bằng phẳng, từng thành viên mỗi đội thả quay để cho đội khác ném quay vào, nếu trúng vào con quay của đối thủ mà con quay của mình vẫn quay tít thì được tính điểm. Tuy nhiên, để có thể thắng đối thủ, người chơi cần có sự khéo léo, độ chính xác cao, phán đoán tốt và sự điêu luyện của đôi tay.
Để chuẩn bị cho trò chơi Tu lu, các chàng trai người Mông thường chuẩn bị con quay được đẽo gọt từ loại gỗ cứng, dẻo như gỗ đinh, sến...Trọng lượng trung bình của con quay nặng từ 300gam- 500gam với cấu tạo khá đa dạng và phong phú. Đặc biệt dây quay phải được kết bằng sợi xe bông, sợi lanh nhỏ hơn chiếc đũa con dài khoảng từ 700cm-100cm. Dây quay muốn tốt cần có độ chắc và mền, đầu dây cuốn vào con quay được buộc vào một chiếc lông gà nhỏ để khi cuốn vào quay, lông gà ẩm thấm nước tăng độ dính bám (ma sát) vào con quay.
Trò chơi tu lu luôn hấp dẫn trong những ngày xuân. Ảnh: Báo Lào Cai
Nếu như ở miền xuôi, trò chơi quay đã dần vắng bóng khi trẻ em có quá nhiều đồ chơi hiện đại thì với đồng bào Mông, trò chơi Tu lu vẫn luôn được ngóng đợi. Bởi đó là lúc người chơi được thể hiện khả năng khéo léo của mình trong mắt bà con dân bản và trong mắt của những cô gái người Mông duyên dáng. Các chàng trai người Mông có rất nhiều cách chơi quay để thể hiện tài năng như thi biểu diễn, thi chọi quay hay thi chọi động.
Ở cách thi biểu diễn, khi trưởng trò phát lệnh “ Tu lu”, người chơi sẽ đánh quay xuống sân chơi và con quay nào quay tít được lâu nhất sẽ tính là thắng cuộc. Hoặc trong phần thi biểu diễn có thể nâng lên một cấp bằng cách người chơi dùng tay hớt con quay đang quay lên lòng bàn tay, và con quay nào quay lâu hơn là thắng. Tuy nhiên cách chơi này khó đòi hỏi người chơi phải có kinh nghiệm luyện tập lâu mới có cơ giành giải thưởng.
Bên cạnh cách thi biểu diễn, trong trò chơi Tu lu của người Mông còn có thi chọi quay tĩnh và chọi quay động. Ở trò chọi quay tĩnh, tất cả đánh quay xuông sân, con quay nào quay lâu nhất thì được làm cái, số còn lại cho vào vòng tròn có đường kính 50 cm. Quay cái được chọi vào đám quay trong vòng tròn. Con nào bật ra khỏi vòng được làm con cái, chọi tiếp những con trong vòng tròn. Khi được quyền chọi, những con quay cái phải quay được, nếu không quay lại cho vào vòng tròn. Ở hình thức chơi này, các con quay sẽ liên tục đổi chỗ cho nhau vì luôn có quay cái và luôn có quay chết.
Trong trò chọi quay động, người chơi sẽ chia là hai nhóm và rút thăm quyền ưu tiên. Đôi ưu tiên là đôi được dùng quay để chọi, còn đôi kia phải đánh Tu lu quay cự ly khoảng 2m. Đôi ưu tiên sẽ dùng con quay chọi chính xác các con quay đang quay.
Bên cạnh những yếu tố cơ bản của trò chơi Tu lu, đồng bào Mông ở mỗi vùng miền còn tự đề ra những yêu cầu khác nhau để tăng thêm tính hấp dẫn của trò chơi, nhưng tất cả đều hướng đến niềm vui cũng như rèn luyện sức khỏe và sự gắn kết cho các chàng trai của dân tộc mình.