Ngày 31-5, tại Tp.Hồ Chí Minh, Báo Lao động và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Vực dậy nguồn lực bất động sản” nhằm nắm bắt các ý kiến, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN bất động sản trong giai đoạn hiện nay.
Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn
Hội thảo thu hút hơn 100 doanh nghiệp (DN) trong nước và lãnh đạo các Bộ, ngành, tỉnh, thành tham gia tập trung vào các vấn đề như đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở, các vấn đề liên quan đến kinh doanh căn hộ diện tích nhỏ; DN được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết 13/CP; kinh tế vĩ mô và chính sách tài chính cho bất động sản năm 2012; các chính sách cho vay mua nhà, hỗ trợ DN…
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Thị trường bất động sản hiện nay rất khó khăn, cùng với đó nhiều lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn như vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, trang trí nội thất, việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, về kế hoạch dài hạn, đang tiến hành sửa đổi Luật Đất đai cũng như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Với giải pháp cấp bách, Nghị quyết 13 được ban hành cũng đã hỗ trợ được phần nào cho các doanh nghiệp, khoanh nợ quá hạn, gia hạn nộp tiền sử dụng đất….
Để vực dậy nguồn lực của lĩnh vực bất động sản, một ngành được đánh giá là đầu tàu của nền kinh tế hiện nay, nhiều chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, bên cạnh các chính sách về nới lỏng tín dụng, các DN bất động sản vẫn cần những giải pháp tích cực hơn để kích thích thị trường và khơi dậy được các nguồn lực thực sự của các DN. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, các DN bất động sản cần chủ động trong việc cân đối các nguồn vốn, cơ cấu lại các sản phẩm, trong đó tập trung vào phân khúc có nhu cầu thật, có tính thanh khoản cao, đồng thời phải phân loại dự án để có phương án đầu tư thích hợp, đồng thời phải chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông giới thiệu sản phẩm, thu hút sự quan tâm và niềm tin của người dân có nhu cầu về nhà ở. Mặt khác, các DN bất động sản cũng phải tranh thủ liên kết với ngân hàng để có những “gói sản phẩm” thích hợp với điều kiện thực tế, tìm kiếm và đưa ra mức giá bán phù hợp đối với các khách hàng mua “sỉ”.
Về vấn đề quy định diện tích nhà ở tối thiểu trong Luật Nhà ở, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết: Một trong những khiếm khuyết của thị trường bất động sản nhà ở trong thời gian qua là cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở mất cân đối, thị trường thiếu những căn hộ có quy mô nhỏ, giá cả bình dân để phục vụ người có thu nhập thấp và trung bình. Theo tìm hiểu, quy định diện tích căn hộ tối thiểu của nước ta hiện cao hơn quy định của nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, việc quy định cứng về diện tích căn hộ tối thiểu chung cho mọi vùng miền, mọi loại hình nhà ở (bán, cho thuê) chưa thật hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Hà, việc sửa đổi quy định của Luật Nhà ở cần phải đảm bảo không làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, thẩm mỹ đô thị, đồng thời quy định diện tích căn hộ tối thiểu phải kèm theo các hướng dẫn về mặt thiết kế, quy chế quản lý, các quy định về kiểm soát, chế tài…
Anh Tuấn