Trước chính sách mới mà BQL chợ Hà Tĩnh thông báo, hơn một ngàn tiểu thương đã đồng loạt đóng cửa ki ốt, tạm dừng kinh doanh để phản đối.
Từ ngày 26/11, nhiều tiểu thương ở chợ Hà Tĩnh đồng loạt đóng hơn 1.500 quầy hàng để phản đối chính sách ký hợp đồng thuê ki ốt mới của Ban quản lý chợ Hà Tĩnh.
Nhiều tiểu thương cho biết, 15 năm trước họ ký hợp đồng mua ki - ốt với Ban quản lý chợ với giá giao động từ 20 triệu đồng cho mỗi ki ốt rộng khoảng 4m2, tới tháng 11/2016 là hết thời hạn thuê.
Sáng ngày 26/11, hơn ngàn tiểu thương kinh doanh tại chợ 2 tầng TP đồng loạt đóng ki ốt để phản đối chính sách mới.
Cách đây ít ngày, BQL chợ Hà Tĩnh có tổ chức họp bàn và thông báo về việc gia hạn hợp đồng thuê ki ốt kinh doanh đối với những hộ sắp hết hạn thuê 15 năm. Tuy nhiên, tại cuộc họp đại diện Sở Công thương Hà Tĩnh và Ban quản lý chợ đã yêu cầu người dân bàn giao lại giấy chứng nhận quyền sử dụng ki-ốt đã mua hồi xưa để ký hợp đồng mới với thời hạn 3 tháng, hết 3 tháng thì sẽ tính tiếp.
Trước thông báo mới về chính sách cho thuê ki ốt của BQL chợ Hà Tĩnh, hầu hết các tiểu thương đều thấy vô lý và không đồng tình. Quan điểm chung của các tiểu thương là muốn được ký hợp đồng thuê ki ốt dài hạn như trước.
Mặc dù biết ngày cuối tuần sẽ có lượng người mua đông nhưng hầu hết các tiểu thương vẫn đóng cửa.
“Bây giờ thay đổi chính sách như vậy, chúng tôi hoang mang lắm. Từ việc cho thuê ki ốt hàng chục năm, nay lại ký hợp đồng mới có 3 tháng. Nếu khi hợp đồng 3 tháng hết thời gian, chúng tôi không được ký tiếp thì biết lấy gì để kiếm sống.” – chị Đào Ngọc Thúy, tiểu thương bán quần áo cho biết.
Cùng suy nghĩ và lo lắng như trên, tiểu thương Hoàng Thị Bích Lan (kinh doanh hàng vải) cho rằng chính sách mới này khiến mọi người thấy bất bình, lo lắng nên đòi quyền lợi, chứ không hề có ai tụ tập xúi giục. Mọi người chỉ muốn được ký hợp đồng dài hạn, yên tâm kinh doanh buôn bán.
Các tiểu thương cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục đóng ki ốt để phản đối chính sách mới mà BQL chợ Hà Tĩnh áp dụng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Duy Hòa - Trưởng ban quản lý chợ Hà Tĩnh cho biết, Sở Công Thương Hà Tĩnh đang thực hiện lộ trình chuyển đổi Ban quản lý chợ, phương án thời gian tới sẽ là doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã quản lý chợ. Do vậy việc ký hợp đồng mới 3 tháng về việc thuê ki ốt là chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Tĩnh.
“Tiểu thương không đồng tình vì trước đó đã ký dài hạn nên yêu cầu quầy đó là của họ, cũng vì vậy nên nhiều người đã nghỉ kinh doanh để đấu tranh đòi quyền lợi. TP Hà Tĩnh đã triển khai nắm tình hình, sắp tới tổ chức cuộc họp giải thích cho bà con hiểu”, ông Hòa nói.