Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tình hình tiêu thụ lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tín hiệu tích cực hơn, trong khi việc tiêu thụ trái cây và chế biến, xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn.
Theo báo cáo ngày 20/8/2021 của Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá lúa tươi hiện nay tại các địa phương ĐBSCL đã có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm sâu ở thời điểm cuối tháng 7.
Tình hình tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh công tác thu mua. Các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch bệnh Covid-19, điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh cho diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vaccine phòng Covid-19; tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.
Trong khi đó, đối với cây ăn quả, vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ. Nguyên nhân là thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh.
Tình hình chế biến, xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn. Đến nay, có 123 cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản ở Nam Bộ phải tạm dừng sản xuất (19 cơ sở phải tạm dừng sản xuất do có ca nhiễm Covid-19 và 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ).
Còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%. Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ đạt khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Do Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau ngày 15-8 nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản thêm khó khăn bởi chi phí 3 tại chỗ rất cao. Theo đánh giá của Tổ công tác 970, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản.
Về việc kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, đến này đã có hơn 1.200 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970. Trong ngày 20-8, Tổ đã kết nối được 46 đơn hàng tiêu thụ nông thủy hải sản cho các tỉnh. Đặc biệt, có đơn hàng rau củ 500 tấn đã có khách hàng và Tổ công tác 970 đang liên kết với các tỉnh thực hiện từ 23-8-2021.
Rút kinh nghiệm từ việc kết nối mua nông sản để thực hiện chương trình tặng 15.000 phần quà cho công nhân lao động các tỉnh đang lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác 970 đã thí điểm thành công "gói combo kết hợp trên 5 loại nông sản tổng trọng lượng 10kg/túi, đồng giá 100.000 đồng. Chương trình thí điểm được 2 ngày, rút kinh nghiệm và nhận thấy nhiều dấu hiệu tích cực.