Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) đã chững lại trong quý III/2016 với mức tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qúy III/2016, FMCG tại 6 thành phố lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái
Công ty toàn cầu về nghiên cứu và đo lường hiệu quả hoạt động, Nielsen Việt Nam mới đây đã công bố báo cáo Market Pulse. Theo báo cáo này, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) đã chững lại trong quý 3 năm nay với mức tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 3,5% là mức tăng trưởng sản lượng.
Cũng trong quý III năm nay, sự phục hồi tăng trưởng dương diễn ra ở hầu hết các ngành hàng ngoại trừ ngành hàng sản phẩm chăm sóc em bé. Mức tăng trưởng cụ thể của một số ngành hàng như thực phẩm đạt mức tăng trưởng 7,8%, sữa tăng 1,3%, sản phẩm chăm sóc gia đình tăng 8,2%, sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng 3,9% và thuốc lá tăng 5,1%.
Tuy nhiên, dù ngành hàng nước uống (bao gồm bia) có đóng góp lớn nhất vào doanh số tiêu dùng nhanh trong quý 3 với 41%, nhưng, ngành hàng nước uống trên toàn quốc đã giảm nhẹ lần đầu tiên trong vòng 2 năm trở lại đây. Ngành hàng này chỉ tăng mức 4,7% trong quý 3 so với mức 9,2% trong quý 2. Riêng bia vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng với 9,2%.
Một vấn đề đáng lưu tâm trong bản báo cáo của Nielsen Việt Nam là ngành hàng tiêu dùng nhanh tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn chững lại. Ví dụ như ngành hàng các sản phẩm chăm sóc gia đình đạt mức tăng trưởng 8,2% trong 6 thành phố lớn, nhưng chỉ duy trì ở mức 0,1% ở nông thôn. Ngành hàng thực phẩm đạt 7,8% tăng trưởng trong 6 thành phố lớn, nhưng tăng trưởng của ngành hàng này ở nông thôn đã giảm xuống ở mức 0,3%.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc – Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, các nhà sản xuất phải bước ra khỏi vùng an toàn, đó là 6 thành phố lớn để nắm bắt đầy đủ các cơ hội phát triển thị trường và thúc đẩy một doanh nghiệp phát triển lâu dài, nông thôn.
“Cộng đồng nông thôn Việt Nam chiếm 68% của 90 triệu dân và khu vực này đóng góp vào 51% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh. Hơn nữa, người dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục, và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua. Qua 2 điểm trên cho thấy thị trường nông thôn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội nhưng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến”, ông Dũng nhận xét.