Trong đêm xảy ra đảo chính, chiếc máy bay chở Tổng thống Erdogan từ khu nghỉ dưỡng Mamaris bay về Istanbul đã bị ít nhất 2 chiếc F-16 của phiến quân ép sát song không bị bắn. Lý do thực sự là gì?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Nỗ lực đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng bị dập tắt làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng, phải chăng Tổng thống Tayyip Erdogan mới chính là đạo diễn kiêm diễn viên tài năng trong vở kịch binh biến kinh hoàng đêm 15/7?
Trong đêm xảy ra đảo chính, ông Erdogan bị “chết hụt” tới hai lần. Lần thứ nhất, ngay khi ông vừa rời khách sạn ở khu nghỉ dưỡng Mamaris được ít phút thì một nhóm lính đặc nhiệm đột nhập định ám sát ông.
Lần thứ hai, trên đường Tổng thống Erdogan trở về Istanbul từ khu nghỉ dưỡng Mamaris. Lúc này, phe đảo chính đã tuyên bố nắm quyền và phong tỏa cầu, đưa xe tăng vào thành phố. Chiếc máy bay chở ông bị ít nhất 2 chiếc F-16 của nhóm phiến quân áp sát trên đường bay.
Vài ngày sau nỗ lực đảo chính bị dập tắt, tờ Financial Times dẫn kết quả cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu Streetbees (Anh) cho thấy, 1/3 số người Thổ Nhĩ Kỳ được hỏi ủng hộ ý kiến cho rằng, chính Tổng thống Erdogan mới là người dàn dựng kịch bản đảo chính (?).
Để chứng minh cho quan điểm của mình, họ chỉ ra một loạt mâu thuẫn và tính “nghiệp dư” của cuộc đảo chính tại một đất nước mà đảo chính vốn được xem như là “trò chơi yêu thích của các vị tướng”. Đặc biệt, họ đặt câu hỏi, tại sao máy bay của Tổng thống Erdogan trên đường bay đến Istanbul bị ít nhất 2 chiếc F-16 đuổi theo nhưng lại… không bắn?
Tuy nhiên, tờ Yeni Safak, có quan điểm ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây cho biết, 2 chiếc F-16 của phe đảo chính đã ngắm bắn máy bay chở ông Erdogan, song không thể áp sát để khai hỏa vì khi ấy chúng gần cạn nhiên liệu nên buộc phải chuyển hướng bay.
Theo báo cáo của giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, nỗ lực đảo chính bất thành tại Istanbul đêm 15/7 đã khiến gần 250 người thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương, chưa kể số người thương vong ở phe đảo chính.