Tiếp tục lùi thời điểm cải cách tiền lương

Mai Thoa| 13/11/2021 10:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 13/11, với tỷ lệ 465/468 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách năm 2022.

202111130924214712_bmh_7320.jpg

Tiếp tục lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương

Nghị quyết bổ sung 40,322 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 từ nguồn viện trợ nước ngoài không hoàn lại của Ngân hàng phát triển Châu Á; đồng thời bổ sung 40,322 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên năm 2021 từ nguồn viện trợ này cho ngân sách tỉnh Quảng Nam để thực hiện Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An.

Cho phép chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 sang kế hoạch năm 2022 để phân bổ và giao kế hoạch đầu tư cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 6.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 6.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 4.000 tỷ đồng.

Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết nêu rõ: Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.

Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương, bao gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa...

Cùng với đó, Nghị quyết giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

z2930046478843_2c46533743a1438be81cf7d31e3ec51b(1).jpg

Tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội;

Kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi kinh tế; cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương…

Xây dựng Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Theo Nghị quyết được thông qua, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xây dựng trên cơ sở số liệu thống kê, kiểm kê đất đai do các địa phương cung cấp theo quy định pháp luật có liên quan.

202111130924214556_bmh_7311.jpg

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; bảo đảm tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển, trọng điểm và quốc tế; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn; giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng địa phương.

Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng; bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; định hướng cho không gian phát triển, khai hoang, lấn biển.

Mục tiêu đặt ra là bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao;

Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%;

Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đáng quan tâm, về việc bố trí định hướng không gian sử dụng đất theo vùng lãnh thổ, Nghị quyết nêu rõ, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế dọc theo các trục giao thông hướng tâm về Thủ đô Hà Nội, gắn kết với các hành lang kinh tế quốc tế; phát triển kinh tế vùng biên, phát huy vai trò kinh tế cửa khẩu.

Vùng Đồng bằng sông Hồng: xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; tập trung phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại.

Một trong các giải pháp quan trọng được nêu trong Nghị quyết là sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan (trong đó có chính sách về tài chính đất đai) để bảo đảm sự đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai.

Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục lùi thời điểm cải cách tiền lương