Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của TAND, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ “Tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (kỳ 2)

Trương Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC| 09/04/2014 21:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để việc triển khai thực hiện thành lập TAND sơ thẩm khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao, đổi mới tổ chức và hoạt động của TANDTC trở thành hiện thực, cần đặt ra và giải quyết rất nhiều vấn đề cụ thể trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Đó là: Xác định nguyên tắc thành lập; vị trí và mô hình; nhiệm vụ, thẩm quyền; tên gọi; tiêu chí thành lập và xác định số lượng; cơ cấu tổ chức; biên chế; cán bộ và cơ sở vật chất; mối quan hệ với các cơ quan công tố và điều tra; mối quan hệ giữa các cấp Tòa án; sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử; về việc bầu Hội thẩm nhân dân; quản lý về tổ chức đối với các Tòa án; đưa ra các giải pháp và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện…

Bài 2:  Định hướng cơ bản về đổi mới tổ chức và  hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân

Về quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Tòa án nhân dân tối cao chú trọng một số vấn đề cơ bản sau đây: (1) Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có yêu cầu xây dựng nền tư¬ pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư¬ pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử đ¬ược tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao; tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án; (2) Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của TAND; (3) Tạo cơ sở pháp lý để đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo h¬ướng hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Toà án; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (4) Kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.

Trong phạm vi bài viết này chỉ đưa ra định hướng giải quyết một số vấn đề cụ thể về đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND các cấp:

I. Về TAND sơ thẩm khu vực

+ Nguyên tắc thành lập, nhiệm vụ, thẩm quyền và số lượng các TAND sơ thẩm khu vực: Trong quá trình xây dựng Đề án, có quan điểm cho rằng, có thể thành lập TAND sơ thẩm khu vực ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một tỉnh hoặc khác tỉnh, vì trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 chỉ nêu Tòa án sơ thẩm cấp khu vực được tổ chức không phụ thuộc vào đơn vị hành chính và được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện, không xác định rõ là các huyện trong cùng một tỉnh hay ở cả các tỉnh khác nhau. Tuy nhiên, phương án mỗi TAND sơ thẩm khu vực được thành lập trên cơ sở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một tỉnh sẽ bảo đảm và xác định được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của Hội đồng nhân dân một tỉnh nhất định đối với tổ chức và hoạt động của TAND cấp khu vực đó.

TAND sơ thẩm khu vực được coi là Tòa án cấp thứ nhất trong hệ thống Tòa án, có nhiệm vụ và thẩm quyền chung là xét xử, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh - thương mại, tuyên bố phá sản, lao động, hôn nhân - gia đình, hành chính theo quy định của pháp luật tố tụng. Bên cạnh thẩm quyền chung như nêu trên, thẩm quyền cụ thể của từng TAND sơ thẩm khu vực sẽ được xác định theo quản hạt tư pháp và theo tính chất của những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, TAND sơ thẩm khu vực là Tòa án chuyên xét xử, giải quyết các vụ việc theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm là chủ yếu, nhưng vẫn có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm một số vụ án. Do vậy, vẫn cần phải có các quy định của pháp luật tố tụng về các loại vụ án thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh. Việc xác định thẩm quyền theo vụ việc đối với các TAND sơ thẩm khu vực cần phải có lộ trình hợp lý để vừa bảo đảm hoạt động bình thường của TAND sơ thẩm khu vực khi mới thành lập, vừa bảo đảm yêu cầu của cải cách tư pháp.

Việc xác định thành lập khoảng bao nhiêu TAND sơ thẩm khu vực trong một tỉnh cần dựa trên những tiêu chí nhất định, như: Số lượng các loại vụ án xảy ra trong địa bàn; quy mô về địa giới hành chính; số lượng dân cư, đặc điểm địa lý; quy hoạch tổng thể và điều kiện phát triển kinh - tế xã hội khu vực dự kiến sẽ thành lập TAND sơ thẩm khu vực. Trong đó, số lượng các vụ án và giới hạn địa bàn khu vực địa lý là những tiêu chí cơ bản cho việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực.

Theo thống kê, số lượng bình quân các vụ án một năm của Tòa án cấp tỉnh cỡ trung bình là khoảng 900 vụ. Nếu lấy tiêu chí về số vụ án là từ 900 vụ trở lên và có tính đến quy mô, mức độ tập trung dân cư lớn, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thì có khoảng 70 đơn vị Tòa án cấp quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể chuyển đổi thành TAND sơ thẩm khu vực.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của TAND, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ “Tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (kỳ 2)

Lãnh đạo TANDTC đón chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2014

(Ảnh: Nguyễn Phan Khiêm)

Ở khu vực các huyện đồng bằng, có thể sáp nhập hai đơn vị Tòa án cấp huyện có số lượng giải quyết các vụ án hiện nay khoảng 300 vụ/năm/đơn vị để thành lập một TAND sơ thẩm khu vực với số lượng các vụ án phải giải quyết khoảng 500 vụ/năm, tương đương với số vụ án bình quân của một Tòa án cấp tỉnh cỡ nhỏ là hợp lý, phù hợp với quy mô dân số và giới hạn địa bàn hành chính cấp huyện ở khu vực này. Theo thống kê, có khoảng 80 Tòa án cấp huyện hiện nay có thể chuyển đổi thành 40 TAND sơ thẩm khu vực. Các đơn vị còn lại có số vụ án trên dưới 200 vụ án/năm, thì có thể chuyển đổi ba đơn vị thành một TAND sơ thẩm khu vực.

Đối với các khu vực miền núi, do có những đặc thù khác với khu vực thành thị và đồng bằng, như: Mật độ dân số thấp, trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao, số lượng các vụ án không nhiều, địa giới hành chính thường rộng, cơ sở hạ tầng chưa phát triển… cần có cách giải quyết khác cho phù hợp. Có thể vẫn tổ chức Tòa án sơ thẩm khu vực ở một huyện, hoặc nếu có điều kiện TAND sơ thẩm khu vực sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất một số Tòa án cấp huyện, với số lượng các vụ án phải giải quyết một năm khoảng trên dưới 300 vụ, tương đương với số vụ án của một Tòa án cấp tỉnh miền núi cỡ nhỏ hiện nay; trụ sở Tòa án cấp huyện cũ vẫn được giữ lại làm trụ sở chi nhánh của TAND sơ thẩm khu vực. Theo đó, có thể hợp nhất ba Tòa án cấp huyện ở miền núi thành một TAND sơ thẩm khu vực. Mỗi TAND sơ thẩm khu vực có một hoặc hai chi nhánh là địa điểm để thụ lý và xét xử, giải quyết các vụ án theo sự phân công của Chánh án TAND sơ thẩm khu vực và tạo thuận lợi cho người dân, các cơ quan, tổ chức khi có việc đến Tòa án. Ngoài ra, nên triển khai tổ chức các Tòa Giản lược để xét xử các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, xử phạt vi cảnh; có thể bố trí Tòa Giản lược ở các Chi nhánh TAND sơ thẩm khu vực.

+ Mối quan hệ giữa TAND sơ thẩm khu vực với TAND cấp trên: Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có vị trí là Tòa án cấp thứ nhất, có mối quan hệ tố tụng và quan hệ hành chính với TAND cấp trên. Bản án, quyết định của TAND sơ thẩm khu vực có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong trường hợp này, TAND cấp tỉnh sẽ xét xử theo thủ tục phúc thẩm; TAND cấp cao sẽ xét xử, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đây là một điểm mới trong thủ tục giám đốc thẩm, thể hiện ở chỗ Tòa án cấp tỉnh không còn thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới (cấp huyện) như hiện nay. Trường hợp trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc, nếu có tranh chấp về thẩm quyền giữa các TAND sơ thẩm khu vực, khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án TAND sơ thẩm khu vực, thì Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài quan hệ tố tụng, giữa TAND sơ thẩm khu vực và Tòa án cấp trên có mối quan hệ về hành chính, tổ chức. TAND sơ thẩm khu vực chịu sự chỉ đạo của Tòa án cấp trên về các vấn đề tổ chức nhân sự; báo cáo thống kê, xét xử; dự toán, quyết toán kinh phí hoạt động. 

+ Về sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với TAND sơ thẩm khu vực: Hiện nay, theo quy định về Đảng thì TAND cấp huyện nào thì chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng huyện đó, tổ chức cơ sở Đảng ở Tòa án cấp huyện trực thuộc Đảng bộ cấp huyện; cấp ủy Đảng của huyện có trách nhiệm quản lý, cho ý kiến khi đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo và Thẩm phán Tòa án cấp huyện.

Về mặt chính quyền, theo quy định của pháp luật, Chánh án Tòa án cấp huyện báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp; Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra; Thường trực Hội đồng nhân dân có chức năng phối hợp với TAND cấp tỉnh trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh lãnh đạo Tòa án cấp huyện. Khi TAND sơ thẩm khu vực được thành lập và hoạt động thì vẫn phải bảo đảm nguyên tắc có sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của Hội đồng nhân dân. Do tổ chức của TAND sơ thẩm khu vực theo hướng không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng vẫn trong đơn vị hành chính cấp tỉnh, nên có thể giao cho cấp ủy Đảng cấp tỉnh thực hiện việc lãnh đạo và chỉ đạo, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc giám sát đối với hoạt động của Tòa án cấp này. Tổ chức cơ sở Đảng của Tòa án sơ thẩm khu vực trực thuộc Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh; còn Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh trực thuộc tỉnh ủy hoặc thành ủy. Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm lãnh đạo TAND sơ thẩm khu vực và TAND cấp tỉnh. Chánh án TAND sơ thẩm khu vực báo cáo công tác trước TAND cấp tỉnh; Chánh án TAND cấp tỉnh báo cáo công tác của Tòa án mình và TAND sơ thẩm khu vực trước Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

II. Về TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

+ Nguyên tắc thành lập, nhiệm vụ, thẩm quyền, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử đối với TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là TAND cấp tỉnh) có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định của TAND sơ thẩm khu vực chưa có hiệu lực pháp luật có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND sơ thẩm khu vực thuộc địa hạt của tỉnh. TAND cấp tỉnh không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của TAND sơ thẩm khu vực thuộc địa hạt tư pháp. Tuy nhiên, do TAND cấp tỉnh vẫn phải báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên TAND cấp tỉnh vẫn thực hiện một số chức năng giám đốc - kiểm tra đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới nhưng Chánh án TAND cấp tỉnh không có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới, mà việc xem xét kháng nghị thuộc thẩm quyền của Chánh án TAND cấp cao.

Mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh có một TAND cấp tỉnh như hiện nay, nhưng không còn Uỷ ban Thẩm phán. Cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh có các Tòa chuyên trách và Văn phòng TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng các Toà chuyên trách, việc thành lập các Tòa chuyên trách, các phòng chức năng thuộc Văn phòng TAND cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.

  Như vậy, trên phạm vi cả nước sẽ vẫn có 63 TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nội dung và cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và sự giám sát của Hội đồng nhân dân vẫn giữ nguyên như hiện nay.

- Vị trí, nhiệm vụ, thẩm quyền của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

TAND cấp tỉnh được xác định là Tòa án cấp trên của TAND sơ thẩm khu vực, cấp dưới của Tòa án nhân dân tối cao, độc lập với các Tòa án này trong giải quyết các vụ việc. Tòa án cấp tỉnh chịu sự quản lý, chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, có trách nhiệm quản lý các TAND sơ thẩm khu vực theo sự phân cấp của Tòa án nhân dân tối cao. Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tòa án cấp tỉnh không còn chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm. Chánh án Tòa án cấp này cũng không còn chức năng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tòa án cấp tỉnh xét xử theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của TAND sơ thẩm khu vực khi có kháng cáo, kháng nghị. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án của Tòa án cấp tỉnh sẽ được xác định trên nguyên tắc, những vụ án nào không thuộc thẩm quyền của TAND sơ thẩm khu vực thì thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh. Dự kiến các vụ án lớn, các vụ án trọng điểm về hình sự, các vụ án dân sự có đương sự hoặc tài sản tranh chấp ở nước ngoài, các vụ khiếu nại đối với các quyết định hành chính liên quan đến chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh… trong khuôn khổ của WTO sẽ giao thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thụ lý, giải quyết.

III. Về TAND cấp cao

+ Nguyên tắc thành lập, vị trí, thẩm quyền và số lượng TAND cấp cao: Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tòa án nhân dân tối cao không còn thẩm quyền xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp tỉnh vẫn còn thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ án. Do đó, cần thành lập TAND cấp cao để xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị. 

Theo nguyên tắc, Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử, TAND cấp cao sẽ có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của TAND sơ thẩm khu vực đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị; Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị. Về thẩm quyền theo lãnh thổ, dự kiến TAND cấp cao được thành lập trên cơ sở các Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao ở ba miền Bắc - Trung - Nam như hiện nay; quản hạt tư pháp của mỗi TAND cấp cao về cơ bản vẫn được xác định như địa hạt tư pháp của mỗi Tòa phúc thẩm tương ứng hiện nay. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tiễn hoạt động, có thể tăng hoặc giảm đầu mối và điều chỉnh địa bàn xét xử giữa các TAND cấp cao với nhau cho phù hợp.

+ Cơ cấu tổ chức, biên chế của TAND cấp cao: Theo lộ trình và dự tính trong tương lai, TAND sơ thẩm khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ việc; số lượng các vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh sẽ giảm; số lượng vụ việc xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao cũng sẽ giảm so với số lượng các vụ án xét xử phúc thẩm tại các Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao hiện nay.

Theo dự tính, số lượng án mỗi TAND cấp cao sẽ phải giải quyết khoảng 1.000 vụ/năm (hiện nay, ba Tòa phúc thẩm xét xử khoảng 5.500 vụ/năm, trung bình mỗi Tòa phúc thẩm xét xử khoảng 1.800 vụ/năm). Với số lượng các vụ việc như vậy và để chuyên môn hóa hoạt động xét xử, thì có thể xác định cơ cấu của TAND cấp cao bao gồm các Tòa chuyên trách, Ủy ban Thẩm phán và bộ máy giúp việc. Về biên chế, theo tính toán về số vụ việc và cơ cấu tổ chức, mỗi TAND cấp cao cần có khoảng 100 người, trong đó có từ 30 - 35 Thẩm phán.

+ Sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử và quản lý về tổ chức đối với TAND cấp cao: TAND cấp cao có đặc thù về quản hạt tư pháp trên phạm vi nhiều tỉnh khác nhau, nên việc xác định sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử thuộc tỉnh nào, hiện còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, TAND cấp cao đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi Tòa đặt trụ sở. Tuy nhiên, theo phương án này thì sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử không phù hợp với tính chất, vị trí và địa bàn xét xử đặc thù của Tòa án nhân dân cấp cao. Do vậy, theo chúng tôi, TAND cấp cao đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao; tổ chức cơ sở Đảng của các TAND cấp cao trực thuộc Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án TAND cấp cao báo cáo công tác trước Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo công tác của toàn hệ thống Tòa án các cấp trước Quốc hội)

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quản lý các TAND cấp cao về mặt tổ chức như đối với các Tòa phúc thẩm hiện nay, nhưng có phân cấp, ủy quyền cho Chánh án TAND cấp cao thực hiện một số công việc, như: Biên chế, quản lý cán bộ, kinh phí và hoạt động… của Tòa án cấp này.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của TAND, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ “Tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (kỳ 2)

Đại biểu TAND các cấp về dự hội nghị

IV. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao

+ Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Toà án nhân dân tối cao: Theo quy định tại Điều 104 của Hiến pháp mới và cơ cấu, tổ chức TAND bốn cấp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW thì Tòa án nhân dân tối cao không thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm, mà chỉ thực hiện các chức năng giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về tổ chức (quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...). Để cụ thể hóa nhiệm vụ “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật” quy định tại khoản 3 Điều 104 của Hiến pháp, cần bổ sung nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao là phát triển án lệ để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm yêu cầu áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao. Bên cạnh đó, bổ sung nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác của Tòa án nhân dân tối cao để phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với công tác Tòa án, đáp ứng yêu cầu về việc nâng cao chất lượng của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong Tòa án.

+ Về cơ cấu, tổ chức của Toà án nhân dân tối cao: Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW thì cần xây dựng tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân tối cao theo hướng tinh gọn với số lượng Thẩm phán từ 13 - 17 người, là những Thẩm phán có kinh nghiệm xét xử lâu năm, những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, hoặc những người đã kinh qua các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị, có trình độ cử nhân Luật trở lên và có uy tín cao trong xã hội; đồng thời, có cơ cấu bộ máy giúp việc hợp lý, bảo đảm địa vị pháp lý của Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia và để phù hợp với quy định của Hiến pháp về việc Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Khoản 7 Điều 70 Hiến pháp).

Do Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có số lượng hạn chế như trên, nên không tổ chức các Tòa chuyên trách ở Tòa án nhân dân tối cao như hiện nay. Chức năng xét xử của Tòa án nhân dân tối cao do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm, cụ thể: các Hội đồng chuyên trách gồm 3 hoặc 5 Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và thực hiện theo nguyên tắc đa số. Tuy nhiên, đối với những vụ án quá phức tạp, trong quá trình xét xử hội đồng xét xử chuyên trách chưa có sự nhất trí cao và thống nhất đề nghị đưa vụ án ra Hội đồng toàn thể để xét xử; Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm đối với những vụ án đặc biệt quan trọng liên quan đến quyền con người, lợi ích lớn của quốc gia và hàm chứa những mối quan hệ phức tạp trong vụ án, hoặc những vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm của các Hội đồng xét xử chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao chưa đạt được sự nhất trí.

Các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong những trường hợp này sẽ trở thành chuẩn mực trong việc áp dụng pháp luật, có giá trị hướng dẫn chung đối với Tòa án các cấp theo nguyên tắc các vụ án tương tự phải được xét xử và phán quyết như nhau. Vì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất (Điều 104 Hiến pháp) nên cần luật hóa nội dung: “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng cáo, kháng nghị”.

Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện được vai trò là cơ quan cao nhất trong hệ thống Tòa án với các chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp, thì bộ máy giúp việc về chuyên môn, nghiệp vụ, hành chính tư pháp, quản lý và xây dựng hệ thống các Tòa án (bao gồm quản lý cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...) của Tòa án nhân dân tối cao được thiết kế theo hướng có địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức hợp lý, khoa học để giúp Tòa án nhân dân tối cao thực hiện tốt công tác xét xử, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành nhanh gọn, thông suốt, có hiệu lực và hiệu quả cao các mặt công tác khác; đồng thời, kế thừa và đảm bảo tính ổn định của bộ máy tổ chức của hệ thống Tòa án.

Theo đó, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao gồm các Vụ chuyên môn như hiện nay, thực hiện các nhiệm vụ thống kê - Tổng hợp, quản trị - hành chính, quản lý biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất của các TAND, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong công tác quản lý nhân sự và thực hiện chế độ, chính sách, thi đua - khen thưởng đối với cán bộ Tòa án; nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, có thể sẽ thành lập Vụ Kiểm tra Giám đốc thay cho Ban Thư ký hiện nay; thành lập Vụ Pháp chế Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử và phát triển án lệ; thực hiện Kết luận số 116-TB/TW ngày 27/11/2012 của Bộ Chính trị, cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao sẽ trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Học viện Tòa án để thực hiện nhiệm vụ đào tạo pháp luật bậc đại học và sau đại học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tòa án, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp trong hệ thống TAND, đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia trong lĩnh vực xét xử, lãnh đạo quản lý trong Tòa án nhân dân và nghiên cứu khoa học xét xử; củng cố, tăng cường năng lực cho Cơ quan Thanh tra TAND, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ công tác thanh tra.

Về sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử, đề nghị giữ nguyên như hiện nay: Tòa án nhân dân tối cao chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và chịu sự giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trên đây là một số đề xuất về mô hình tổ chức TAND theo định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp mới, bảo đảm hoạt động của Tòa án thể hiện rõ nét bản chất dân chủ, của dân, do dân, vì dân, phù hợp với yêu cầu xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu bảo vệ công lý, quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển về mọi mặt và chủ động hội nhập quốc tế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của TAND, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ “Tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (kỳ 2)