Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân

Nam Phương| 18/07/2019 07:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

 Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chế bảo đảm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt nhiều nội dung sau đây: “Tăng cường công tác dân vận của Đảng và của chính quyền; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Trước mắt, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước phải theo đúng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. 

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện Quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp. Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". 

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bình dân học vụ cho người dân khu lao động Lương Yên, Hà Nội, ngày 27/5/1956

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có kết quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, quyết tâm thực hiện tốt nội dung: “Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm "sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ”.

 Tổ chức thực hiện Quy định 109-QĐ/TW, ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư khóa XII về “công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên” (thay thế Quy định cùng tên số 55-QĐ/TW, ngày 10/01/2012 của Ban Bí thư khóa XI). Trong đó, có riêng một nội dung kiểm tra “về ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo chính đáng của nhân dân; chống biểu hiện về sự vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân”.

 Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định rõ các quan điểm: “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt”; “Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu; “mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế”.

Một số đối tượng phải quan tâm chú trọng là: “bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên; phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp”. Các cấp, các ngành có liên quan tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phòng, chống, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hoá để lạm dụng các nguồn lực công phục vụ các "nhóm lợi ích", tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế.                                                                             

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân