Việc tôn vinh, đãi ngộ tương xứng với thành tích đóng góp cũng như tạo điều kiện tốt hơn trong công tác cho chị em là những yếu tố cần thiết để những nhà khoa học nữ nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê nghiên cứu.Ngày càng nhiều phụ nữ thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học (NCKH), phát triển công nghệ. Cùng với việc ghi nhận thành tích của các nhà khoa học nữ, xã hội cũng cần chia s�
Tỏa sáng những tài năng nữ
Những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia NCKH không ngừng tăng. Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam, giai đoạn 2000 - 2010, tỷ lệ phụ nữ chủ trì đề tài khoa học cấp nhà nước đạt 20%. Đây là một sự tiến bộ so với trước.
Bác sĩ Nguyễn Thị Đức Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) luôn tận tụy với công việc. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Với những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học nữ đã đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Theo Tiến sĩ Hà Thị Thúy, Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nhiều nhà khoa học nữ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã và đang làm chủ các phương pháp công nghệ sinh học hiện đại trong tạo giống và nhân nhanh giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản nước ta.
Trong số các nhà khoa học nữ phải kể đến PGS.TS Nguyễn Thị Trâm - niềm tự hào của giới khoa học nữ ngành nông nghiệp. Được ví là nhà khoa học gắn bó với cây lúa, chị đã thành công với việc lai tạo ra nhiều tổ hợp lúa lai hai dòng, trong đó có loại TH3-3 đã được chuyển nhượng cho một công ty với giá 10 tỷ đồng. Giống lúa này có nhiều ưu điểm: Thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon.
Lĩnh vực công nghệ cũng ghi nhận không ít thành tựu của các tài năng sáng tạo nữ. Đó là PGS. TS Lương Chi Mai, công tác tại Viện Công nghệ thông tin (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có nhiều đóng góp cho việc tạo ra các hệ thống nhận dạng có hiệu quả ngay từ những năm 1980, khi lý thuyết nhận dạng vẫn còn mới mẻ ở nước ta. Đến nay, chị đã đạt được những thành công bước đầu trong việc số hóa tiếng Việt với những đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ có thanh điệu… Cũng ở lĩnh vực này, PGS.TS Phan Thị Tươi (Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh) tạo dấu ấn khi là một trong những người đi tiên phong ở lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng máy tính, góp phần quan trọng vào việc hình thành hướng nghiên cứu về “xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tiếng Việt”, nâng cao chất lượng dịch tự động song ngữ Anh - Việt… Hầu như lĩnh vực khoa học nào cũng có sự góp mặt của các gương mặt nữ và tỉ lệ phụ nữ có trình độ sau đại học đang thay đổi tích cực.
Theo thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPNVN), trên toàn quốc, năm 2007, tỷ lệ nữ có trình độ Thạc sĩ là 30%, Tiến sĩ là 17%. Đến nay, con số này đã đạt 39,7% và 21,4%. Trong 5 năm (2007 - 2012), trong tổng số Giáo sư, Phó giáo sư được phong tặng có 10,27% giáo sư và 25,78% Phó giáo sư là nữ. Chị em đã có nhiều công trình nghiên cứu làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, ứng dụng vào sản xuất và hoạt động thực tiễn đem lại lợi ích kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Còn đó nhiều rào cản
Bên cạnh những khó khăn mà nam giới cũng gặp phải trong công tác nghiên cứu, chị em làm NCKH đôi khi phải đương đầu với những rào cản từ chính hoàn cảnh riêng của mỗi người. Theo bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN, thách thức lớn nhất đối với phụ nữ làm khoa học là việc cân đối giữa công việc và gia đình, là làm sao để người phụ nữ có thể dồn hết tâm lực vào NCKH nhưng cũng phải có một gia đình hạnh phúc. Bởi, với thiên chức rất quan trọng là làm vợ, làm mẹ, thì cho dù có làm công tác gì, người phụ nữ cũng không thể sao nhãng việc gia đình, không thể không quan tâm chăm lo gia đình.
Cũng theo bà Ái Nhiên, ở nước ta, trong khi những bộn bề thường nhật gói gọn trong 2 chữ “việc nhà” lấy đi không ít thời gian của người phụ nữ thì các dịch vụ xã hội để chăm lo cho gia đình giúp chị em, nhất là người có con nhỏ đỡ gánh nặng việc nhà vẫn chưa phát triển. Đây là trở ngại không nhỏ ảnh hưởng đến khả năng tham gia công tác xã hội của phụ nữ nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng.
Cùng những yếu tố chủ quan, một yếu tố khách quan ảnh hưởng tới tỷ lệ phụ nữ thành công trong lĩnh vực khoa học là “định kiến giới trong xã hội còn tồn tại dưới nhiều hình thức” - bà Ái Nhiên khẳng định. Việc khuyến khích con gái, em gái mình đi vào nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học cơ bản chưa phải là xu hướng của xã hội ta. Thấy làm khoa học phải lao tâm khổ tứ nên nhiều bậc cha mẹ muốn hướng con gái vào những nghề đỡ vất vả hơn.
Bên cạnh đó, theo nhiều nhà khoa học nữ, quy định phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm cũng là một yếu tố tác động tới quá trình NCKH của phụ nữ.
Trước nhiều trở ngại còn hiện hữu, nếu nhận được chia sẻ nhiều hơn từ phía gia đình và xã hội, phụ nữ có thể đạt được nhiều thành công trong NCKH.
Cần chính sách hợp lý, đãi ngộ phù hợp
PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên tâm sự: “Đối với phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đã có gia đình, NCKH là rất gian lao. Phụ nữ chúng tôi dẫu có say mê đến đâu, có năng lực rất tốt mà không được gia đình, đặc biệt là chồng con chia sẻ và ủng hộ thì không thể nghiên cứu được. Vì vậy, khi đánh giá một kết quả khoa học, cần phải có sự trân trọng hơn khi người nghiên cứu là nhà khoa học nữ”.
Chị Nhàn cũng cho rằng muốn khuyến khích được các bạn trẻ, các bạn nữ làm NCKH cơ bản, cần có cơ chế chính sách tương ứng. Theo chị Nhàn, lớp trẻ làm khoa học ngày nay rất năng động. “Cũng vẫn với niềm say mê như chúng tôi ngày trước, nhưng nếu không có những chính sách thu hút nhất định, thì họ có thể từ bỏ con đường khoa học”, chị Nhàn nói.
Với PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn, Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia ra đời đã ủng hộ chị và đồng nghiệp rất nhiều để yên tâm làm khoa học cơ bản. Chị Nhàn cũng mong sẽ có nhiều giải thưởng cho phụ nữ hơn nữa và có nhiều quỹ hỗ trợ cho phụ nữ NCKH hơn nữa để khoa học cơ bản Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Nhằm mục đích khen thưởng, động viên thành tích, khuyến khích các cá nhân và tập thể phụ nữ tài năng thuộc các lứa tuổi, các lĩnh vực công tác, ngành nghề, để phát huy khả năng, sức sáng tạo, không ngừng vươn lên học tập, nghiên cứu và lao động xây dựng đất nước, Quỹ Giải thưởng tài năng nữ đã được thành lập theo Quyết định 1842/QĐ-BNV và chính thức ra mắt trong dịp 8-3 năm nay. Chính phủ đã cấp 10 tỷ đồng cho Quỹ làm kinh phí ban đầu. “Quỹ ra đời sẽ hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ nói chung, trong đó có phụ nữ làm khoa học”, PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, một trong hai chủ nhân của Giải Kovalevskaia năm 2012 tin tưởng và kỳ vọng.
Song song với việc đẩy mạnh hoạt động vinh danh đóng góp của các chị em, theo nhiều nhà khoa học nữ, để hỗ trợ phụ nữ NCKH, nên tạo cơ hội sớm cho phụ nữ khi họ còn rảnh rỗi. Đồng thời, liên quan đến việc đào tạo lại, các chị cũng đề xuất Nhà nước nên ưu tiên việc đào tạo này phải được sắp xếp vào những thời điểm mà phụ nữ dễ đón nhận cơ hội.
Hội LHPNVN nhiều năm qua đã sát cánh cùng chị em vượt qua những thách thức lớn khi làm khoa học. Bên cạnh một hoạt động nổi bật là duy trì tốt việc trao giải thưởng Kovalevskaia hàng năm vào mỗi dịp 8-3, trao giải thưởng phụ nữ Việt Nam vào 20-10; tuyên dương, tặng bằng khen cho các nữ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Theo bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội, một trong 3 khâu đột phá được Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI xác định là: Xây dựng được cơ chế quy định trách nhiệm của Hội trong công tác cán bộ nữ và chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ.
Theo lãnh đạo Trung ương Hội, nhiệm kỳ tới, Hội LHPNVN tiếp tục phát động thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; duy trì, nâng cao chất lượng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Giải thưởng Kovalevskaia, tuyên dương nữ sinh thủ khoa khi thi vào các trường đại học; xây dựng và phát triển Quỹ Giải thưởng tài năng nữ; tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo” ở cấp Trung ương, tỉnh/thành, và “Ngày hội gia đình hạnh phúc” ở các cấp Hội.
Trung ương Hội cũng cho biết, sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới và tham mưu đề xuất với Đảng trong thực hiện Nghị quyết số 27 (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đề xuất tăng tuổi làm việc đối với nữ trí thức và nữ quản lý lãnh đạo.
“Đảng, Chính phủ cần quan tâm cho cơ chế, chính sách, phát huy luật bình đẳng giới để phụ nữ có điều kiện phát triển, từng chị em có thể vượt qua những khó khăn mang tính đặc thù của phụ nữ. Khi đội ngũ nữ trí thức phát huy vai trò, đặc biệt là phụ nữ làm khoa học, thì những công trình họ nghiên cứu, ứng dụng sẽ đem lại những giảm nghèo bền vững cho phụ nữ ở nông thôn và hải đảo”, bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN tin tưởng.
Mạnh Minh