Ở Thanh Hóa, do còn bất cập trong quá trình khảo sát, lên phương án và tiến hành di dời, hàng ngàn cây cột điện đang vô tình trở thành những vật cản, tác nhân gây ra những vụ tai nạn thương tâm.
Vẫn còn hơn 6.000 cột điện phải di dời
Những năm gần đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, kiểu mẫu. Phong trào hiến đất, nhà cửa, công trình làm đường được triển khai sâu rộng ở hầu khắp các địa phương. Nhờ vậy, những con đường vốn hẹp, quanh co được nay mở rộng, thẳng hàng tạo thuận lợi cho xe cộ, phương tiện di chuyển kể cả vào đường làng, ngõ xóm.
Tại địa phương này hiện có 465 xã xây dựng NTM, trong đó có 352 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 75 xã được công nhận đạt chuẩn NTM năng cao và 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Để hoàn thành các yêu cầu của tiêu chí ngày càng cao hơn, đòi hỏi các địa phương phải mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn để đảm bảo đạt chuẩn tiêu chí theo quy định. Các địa phương đã vận động nhân dân hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn (chủ yếu là đất ở và đất vườn hộ đã giao cho các hộ gia đình quản lý).
Do đó khi các tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng, đảm bảo theo quy định của tiêu chi thì các cột điện trước đây đã được xây dựng theo chỉ giới của đường giao thông lại nằm trong lòng đường đã mở rộng. Cần phải di dời để đảm bảo ATGT và mỹ quan trọng xây dựng xã NTM năng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Theo thống kê tại địa phương này, tính tới tháng 4/2023 số cột điện cần phải thực hiện đi đời do mở rộng đường giao thông để thực hiện các tiêu chỉ xã NTM là 10,683 cột, đến nay toàn tính chỉ mới di dời được 4 638 còi điện.
Trước thực trạng trên, tháng 5 và tháng 12/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương, các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Thanh Hóa và các tổ chức quản lý kinh doanh điện năng xử lý các cột điện nằm trong lòng đường trong quá trình mở rộng đường giao thông trên địa bàn tỉnh thực hiện việc di dời và giải quyết dứt điểm tình trạng các cột điện nằm trong lòng đường thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2023.
Thế nhưng do nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là nguồn kinh phí rất lớn khó có khả năng bố trí, chưa kể việc di dời đường điện phải có hồ sơ, đảm bảo nhiều thủ tục thẩm tra, thẩm định nên nhiều cột điện vẫn phải lay lắt nằm trên đường giao thông.
Quy trình di dời phức tạp, kép dài
Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Hoằng Hóa Nguyễn Văn Tú cho biết: Mỗi khi phải di chuyển đường điện mất rất nhiều thời gian để khảo sát, lập phương án, khái toán và phối hợp với các đơn vị liên quan. Bởi đặc thù ngành điện cần yêu cầu kỹ thuật cao, nhiều tiêu chuẩn đối với vật tư, thiết bị.
Đơn vị thực hiện di dời cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, kỹ thuật tránh rủi ro khi di chuyển. Chưa kể các phương án phải được ngành điện thẩm định, phê duyệt, phối hợp cắt điện. Kinh phí triển khai dự án sẽ không thể bao gồm cả việc di chuyển đường điện mà phải lập 1 dự án riêng hoặc trong phần giải phóng mặt bằng. "Đấy là chưa kể khi mở rộng đường thì phải đảm bảo người dân lưu thông bình thường (vì vào nhà họ) dẫn tới công trình thi công phải chờ di dời đường điện.”, ông Tú nói.
Đơn cử như vụ việc đường Kim Sơn nối tới tỉnh lộ 509 (địa phận Hoằng Kim, Hoằng Hóa), Công ty Điện lực Thanh Hóa chỉ có trách nhiệm xem xét thỏa thuận giải pháp kỹ thuật của dự án, yêu cầu các vật tư, thiết bị được đưa lên lưới điện phù hợp với các quy định của ngành điện. Số liệu, kết quả tính toán là do chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cung cấp và chịu trách nhiệm về kết quả tính toán của dự án. Công ty Điện lực Thanh Hóa thống nhất vị trí cột 69, 70, 71, xà, gông cột, dây dẫn, cách điện, móng, tiếp địa… theo các tiêu chuẩn ngành điện.
Đối với các vật tư, thiết bị đưa mới vào dự án phải được thí nghiệm, nghiệm thu trước và sau khi lắp đặt theo đúng trình tự, đảm bảo an toàn, tên số cột, đường dây cho các cột xây mới, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về mặt bằng và hành lang cho tuyến đường dây mới xây dựng.
Ngoài ra, trước khi thi công các hạng mục trong phương án này, yêu cầu Chủ đầu tư, đơn vị thi công thông báo cho Điện lực Hoàng Hóa cử người cùng giám sát thi công để đảm bảo an toàn điện và chất lượng công trình. Sau khi thi công xong Chủ đầu tư, đơn vị thi công thông báo cho Công ty Điện lực Thanh Hóa nghiệm thu kỹ thuật đạt yêu cầu, mới được thực hiện triển khai đấu nối và thu hồi khoảng đường dây nằm trên mặt bằng quy hoạch.
Trách nhiệm của các bên trong vụ tai nạn chết người!
Chiều ngày 4/8, thông tin từ UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá), địa phương này đang phối hợp với ngành điện lực để khẩn trương tiến hành di dời các cột điện án ngữ giữa đường khiến một thanh niên tử vong sau va chạm.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, đơn vị thi công đã lắp đặt biển cảnh báo, quấn băng phản quang quanh các cột điện. Trong chiều 4/8 huyện phối hợp cùng các đơn vị chức năng tiến hành di dời các hàng cột điện. Ban An toàn giao thông huyện Hoằng Hóa cũng đã tới thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn.
Theo tìm hiểu của PV, tuyến đường nối hai xã Hoằng Kim và Hoằng Sơn đã có sẵn và mới được UBND huyện Hoằng Hóa đầu tư mở rộng nền đường với chiều dài khoảng hơn 1km với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng Huy Hoàng (có địa chỉ tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
Tại Hoằng Kim ngay đầu nút giao QL 1A đi Hoằng Phượng để nối lên cao tốc Bắc- Nam việc mở rộng đường cũng đã đưa hàng cột điện nằm ra bên ngoài đường giao thông. Theo kế hoạch tuần sau, cơ quan chức năng mới tiến hành di dời hàng cột điện trên tuyến này.
Trao đổi với PV về vụ việc, Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Công ty Luật Năm Châu) cho hay: Qua báo chí tôi có đọc thông tin về vụ việc này. Hiện cơ quan Công an đang vào cuộc làm rõ. Kết luận của bên Công an chính là căn cứ để xem trách nhiệm bồi thường của bên nào và các đơn vị liên đới.
Trong trường hợp đường này chưa lưu thông (chủ đầu tư, đơn vị thi công) chứng minh được có thông báo/biển báo về việc chưa cho lưu thông mà người dân tự ý đi vào thì chủ đầu tư không có lỗi đối với hậu quả chết người này.
Trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công không chứng minh được đã có thông báo/biển báo/cảnh báo về đường chưa được lưu thông thì lỗi này thuộc một phần chủ đầu tư, đơn vị thi công. Ngoài ra còn phải căn cứ kết luận của bên Công an xác định nguyên nhân, lỗi của vụ tai nạn xem người tham gia giao thông có lỗi như thế nào?
Nếu trường hợp có lỗi của việc cây cột điện không được di dời, đường chưa lưu thông nhưng không có biển cảnh báo thì trường hợp này lỗi sẽ thuộc về chủ đầu tư, đơn vị thi công. Do trường hợp này bên Điện lực chỉ có trách nhiệm giám sát việc di dời theo văn bản đã hướng dẫn”, Luật sư Tuấn nói.
Qua sự việc này, các đơn vị, địa phương cần rút ra được bài học để tránh những tai nạn đáng tiếc. Qúa trình lập hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng phải đi liền với khái toán di chuyển đường điện và cần triển khai khẩn trương, đồng thời. Sự phối hợp giữ chủ đầu tư, đơn vị thi công và ngành điện là rất cần thiết.