Tiếng cồng chiêng vang mãi giữa núi rừng Tây Nguyên

Quốc Huy| 12/03/2014 11:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trải dài ở 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng. Chủ nhân của loại hình văn hoá đặc sắc này là cư dân của 17 dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Êđê, Bana, M’nông, Xêđăng, Cơho, J’rai…

Được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại từ năm 2005, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hoá cồng, chiêng nhằm góp phần làm cho cồng chiêng sống mãi với đất trời và con người Tây Nguyên.

Cồng chiêng sống với buôn làng

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, âm hưởng cồng chiêng đi suốt vòng đời người, từ lúc sơ sinh đến lúc trưởng thành và cả khi về với tổ tiên cũng đều có âm nhạc của cồng chiêng đưa tiễn. Ở đâu có lễ hội, ở đó có nhạc chiêng, từ lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ trưởng thành, lễ chúc phúc, lễ mừng cơm mới, lễ rước kpal… Bên bếp lửa ngôi nhà dài của đồng bào Êđê hay dưới mái nhà rông của đồng bào Bana, J’rai… mỗi khi nhạc chiêng vang lên là lúc các thành viên trong buôn, trong làng, trong bon cùng về sum họp, mọi người xích lại gần nhau hơn.

Tiếng cồng chiêng vang mãi giữa núi rừng Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng gắn với không gian sinh sống của đồng bào Tây Nguyên. Chính vì thế mà các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực để sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Nhiều người thường nói, mái nhà rông của đồng bào J’rai, ngôi nhà dài của đồng bào Êđê là linh hồn của buôn, làng Tây Nguyên thì âm nhạc cồng chiêng là sinh khí của buôn làng, chứng tỏ sức sống bền bỉ của một thực thể với bản sắc độc đáo của nó… Chính vì lẽ đó mà các tỉnh Tây Nguyên rất coi trọng việc sưu tầm, bảo quản hàng chục ngàn bộ cồng chiêng, trong đó, tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng là những địa phương có số hộ gia đình đồng bào lưu giữ, bảo tồn số bộ cồng, chiêng nhiều nhất. Hiện, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn lưu giữ hàng nghìn bộ cồng chiêng quý, hạn chế được tình trạng “chảy máu” cồng chiêng. Chỉ riêng tại ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, đồng bào còn lưu giữ trên 9.760 bộ cồng chiêng. Riêng tại Đắk Lắk, đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’rai, Sê Đăng, Bru-Vân Kiều còn lưu giữ trên 2.300 bộ cồng chiêng. Đây là một trong những địa phương mà đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất ở Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Lắk cũng có kế hoạch đầu tư trên 48,8 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Bên cạnh việc giữ gìn, bảo quản cồng chiêng thì các tỉnh Tây Nguyên còn thực hiện nhiều biện pháp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn. Các lễ hội truyền thống, liên hoan văn hoá cồng chiêng từ tỉnh đến cơ sở được tổ chức thường xuyên để tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc tham gia diễn tấu. Các tỉnh cũng mời các nghệ nhân là đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’rai, Bana… về truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào ở các buôn làng; đồng thời, đầu tư kinh phí mua cồng chiêng về cấp cho các nhà văn hoá cộng đồng. Riêng tại Đắk Lắk, hiện nay ngoài hàng trăm đội chiêng của ama, amí (những người lớn tuổi) còn có 500 đội chiêng trẻ là con em của đồng bào dân tộc Êđê ở các buôn làng…

Tiếng cồng chiêng vang mãi giữa núi rừng Tây Nguyên

Ông Y Duê, Đội trưởng đội cồng chiêng buôn Kô Siêr (TP Buôn Ma Thuột) - đội đã từng biểu diễn cho nhiều đoàn khách quốc tế, khách du lịch và nhiều lần đi biểu diễn ở các nước trên thế giới hồ hởi nói: “Buôn làng Tây Nguyên vẫn mãi mãi âm vang tiếng cồng chiêng. Vì người lớn tuổi về với núi rừng, về với tổ tiên thì vẫn còn có con cháu nối tiếp để đánh cồng, đánh chiêng. Các nhà nghiên cứu bảo, tiếng cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên nghe lạ lắm, thích thú lắm, nghe như có cả tiếng của rừng núi vọng về…”.

Những cung bậc cồng chiêng

Văn hóa và âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật ở đỉnh cao của các dân tộc Tây Nguyên. Vì thế, nó xứng đáng được UNESCO vinh danh là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Mỗi dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên lại có những bản nhạc cồng chiêng riêng để diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, khát vọng của con người... Âm thanh của cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của buôn làng. Đây là sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất ở nhiều dân tộc Tây Nguyên.

Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ. Cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... Tây Nguyên. Dàn cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức như một dàn nhạc, có thể diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau. Các nghệ nhân dân gian diễn tấu cồng chiêng kết hợp với nhau rất hài hòa, tạo nên những bản nhạc với các tiết tấu, hòa thanh rất phong phú, mang sắc thái riêng với muôn vàn cung bậc.

Tiếng cồng chiêng vang mãi giữa núi rừng Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể

Theo các nhà nghiên cứu, văn hoá cồng chiêng bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn cổ đại, nền văn minh được biết đến với tư cách là một nền văn hoá trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Cồng chiêng được đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên quan niệm như là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Bộ cồng chiêng của mỗi gia đình xưa kia còn là biểu hiện cho sự giàu có của người Tây Nguyên. Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha bạc, vàng hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không có núm. Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ, mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong các cuộc hoà tấu. Nhạc cụ cồng chiêng có nhiều kích cỡ, có loại đường kính từ 20, 50 đến 60cm, loại cực đại có khi lên đến 90cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn. Một bộ có từ 2 đến 12 - 13 chiếc, thậm chí, có nơi lên đến 18 đến 20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng cái (chiêng mẹ) là quan trọng nhất.

Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, đồng bào các dân tộc thiểu số ở tây Nguyên có nhiều phong cách chơi cồng chiêng rất phong phú, bài bản. Người Bana, J’rai đánh cồng chiêng theo phong cách chủ điệu (một bè trầm đánh trên là một vài giai điệu), đồng bào Êđê đánh cồng chiêng theo cách thức từng chùm hợp âm nối tiếp… Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không chỉ dùng riêng một loại chiêng núm hoặc chiêng bằng mà thường kết hợp với nhau, trong đó, chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu. Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái với ý nghĩa ngược chiều với thời gian, hướng về nguồn cội…

Từ ngày không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, du lịch Tây Nguyên lại có thêm một sản phẩm du lịch riêng, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với Tây Nguyên, đến với sản phẩm du lịch độc đáo này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng cồng chiêng vang mãi giữa núi rừng Tây Nguyên