Việt Nam đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030” với mục tiêu tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030.
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 180.000 trẻ bị nhiễm viêm gan virus B, 13.000 trẻ bị nhiễm giang mai và 1.400 trẻ bị nhiễm HIV, trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh.
Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia trong khu vực, dịch vụ dự phòng và kiểm soát HIV/AIDS, giang mai và viêm gan B vẫn được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống, chương trình ngành dọc, thiếu sự phối hợp, liên kết cần phải có giữa các hệ thống.
Theo thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hàng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,19% thì mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 - 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo
Về dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ sang con, theo báo cáo của các bệnh viện, tình hình mắc giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm sàng lọc sớm giang mai chỉ khoảng 15,9%. Đối với Dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con tại Việt Nam, theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của virus viêm gan B. Do đó, tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B trên phụ nữ mang thai cũng rất cao từ 9,5 - 13%.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em cho biết, trong 3 con đường lây truyền virus viêm gan B, tỷ lệ nhiễm do lây truyền dọc từ mẹ sang con chiếm phần lớn.
Phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan virus B có thể truyền cho con khi mang thai, khi chuyển dạ và một thời gian ngắn sau đẻ. Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm sang con tới 60 - 70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Ước tính, khoảng 5-10% nguy cơ nhiễm viêm gan B xảy ra cho thai nhi trong tử cung do virus xâm nhập qua gai rau bị tổn thương.
“Trên thực tế vẫn có khoảng 10 - 20% trẻ sinh ra từ mẹ có virus viêm gan B dương tính vẫn bị nhiễm bệnh viêm gan B sau khi sinh, mặc dù đã được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Lây truyền viêm gan B trong quá trình chuyển dạ và khi đẻ là nguyên nhân phổ biến trong cơ chế lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Trong số những trẻ nhiễm viêm gan B do lây truyền từ mẹ sang, có tới 90% trẻ có nguy cơ chuyển thành viêm gan mạn tính”, ông Vinh cho hay.
Khám sàng lọc trước sinh giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm từ mẹ sang con. Ảnh minh họa
Do vậy, để phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, theo ông Vinh, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030.
Theo đó, ngành Y tế sẽ áp dụng cách tiếp cận chăm sóc liên tục và tiếp cận bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó xác định gói can thiệp thiết yếu hiệu quả, đảm bảo cho mọi đối tượng có thể tiếp cận được khi có nhu cầu; đảm bảo tính bền vững của chương trình can thiệp loại trừ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trên cơ sở đẩy mạnh phối hợp, lồng ghép và cung cấp theo gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Đồng thời, ngành Y tế sẽ tăng cường năng lực của hệ thống y tế sẵn có và chất lượng của mạng lưới cung cấp dịch vụ đi đôi với tăng cường mức độ sử dụng dịch vụ của người dân thông qua truyền thông, giáo dục sức khỏe, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con được liên tục và thuận tiện; ổn định và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế làm công tác sức khỏe sinh sản các cấp về can thiệp dự phòng lây truyền viêm gan B…
Về phía người dân, lãnh đạo Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em khuyến cáo, để giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong lần khám đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai đều nên làm xét nghiệm xác định vi rút viêm gan B và xét nghiệm lại trong thai kỳ nếu cần thiết. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B có thể được bảo vệ hiệu quả bằng cách gây miễn dịch thụ động và chủ động (tỷ lệ bảo vệ trên 90%).
Theo đó, gây miễn dịch thụ động bằng cách tiêm Immunoglobulin cần được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau sinh. Gây miễn dịch chủ động bằng cách tiêm vắc xin cũng cần được thực hiện mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, các mũi sau theo lịch tiêm chủng…