Tiền có là tất cả?

Tạ Duy Anh (Công lý và xã hội)| 13/09/2013 14:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ cần vào cổng bất cứ bệnh viện nào, đi dọc mấy hành lang, nhìn mặt một số y bác sỹ là thấy sự vô cảm bầy ra trước mắt, sống động và đáng sợ.

Có lý lẽ bênh vực bảo đấy là do bệnh nghề nghiệp. Nếu nhận xét ấy đúng thì hình như chỉ đúng ở Việt Nam thôi, nơi mà bất cứ đâu cũng thấy cái bóng u ám của tiền bạc.

Thế là lại có thêm một vụ sản phụ chưa đẻ đã chết, ngay trong bệnh viện, lần này là cả hai mẹ con đều thiệt mạng. Không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với ngành Y tế nữa. Việc sinh nở đâu có phải là chuyện gì ghê gớm mà sao lại thành nguy hiểm như vậy? Sẽ còn vô vàn dấu chấm hỏi lơ lửng với mỗi vụ tương tự, xoáy vào nguyên nhân của sự việc. Từng trải nghiệm việc khám chữa bệnh qua nhiều nơi, trực tiếp chứng kiến nhiều cảnh ngộ thương tâm nơi bệnh viện, tôi có kết luận của riêng mình về nguyên nhân các trường hợp tử vong như kiểu mẹ con chị Nguyễn Thị Vinh: Phần lớn là do thái độ vô cảm của thầy thuốc. Từ vô cảm sẽ dẫn thẳng tới vô trách nhiệm, thành vô lương tâm, là con đường rất ngắn. Rõ ràng đó là căn bệnh mang tính xã hội, chứ không riêng gì của ngành Y tế. Nhưng người bình thường, người làm ở những ngành nghề khác vô cảm, khác với một thầy thuốc vô cảm. Bởi vì thầy thuốc luôn gắn với tính mạng con người. Thầy thuốc mà vô cảm không chỉ là vấn đề của đạo đức, mà còn mang tính hình sự, là phạm tội, thậm chí phạm tội ác. Có lẽ ngành Y tế nên khẩn cấp nghĩ đến một đề tài cấp quốc gia tìm cách chữa căn bệnh vô cảm cho thầy thuốc, trước khi nói đến những việc to lớn khác.

Nhưng tôi không thể bỏ mặc dư luận đang sôi lên về sự việc mẹ con sản phụ chết ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, sau khi được bác sỹ cho uống thuốc, để tạt ngang tạt ngửa bàn những việc xa vời. Phải nói ngay rằng, ca tử vong đó là một tai nạn Y tế thuộc loại kinh hoàng với bất cứ đất nước nào. Làm sao mà hai mạng người lại chết một cách quá dễ dàng như vậy, tại một bệnh viện vào loại lớn? Câu hỏi này sẽ còn ám ảnh tâm trí xã hội rất lâu nữa. Có thể đó là một phần nguyên nhân dẫn tới những sự việc đập phá đáng tiếc mà báo chí nêu, khiến dẫn tiếp tới một việc có vẻ bề ngoài rất nhân đạo, nhưng tiềm chứa một mối nguy hiểm, thậm chí là rất nguy hiểm cho nền đạo đức và pháp lý xã hội: Bệnh viện quyết định bồi thường gia đình nạn nhân 350 triệu đồng để không bị khiếu kiện, điều mà họ lường trước là khó tránh khỏi. Về phía người nhà bệnh nhân, với khoản tiền được bồi thường đó, họ hứa là cho vụ việc khép lại.

Tiền có là tất cả?

Rõ ràng 350 triệu đồng là số tiền lớn mà một bệnh viện cấp tỉnh bỏ ra để bồi thường cho tai nạn y tế. Thậm chí có thể khẳng định, cho đến nay, đó là mức bồi thường chưa từng có, nếu chỉ xét trên mặt chính thức. Việc bồi thường đó cũng trực tiếp xác nhận bệnh viện có lỗi (lỗi nhẹ hơn tội?) trong vụ hai mẹ con sản phụ bị chết. Việc làm đó đặt ra trước dư luận hai nhận định: Hoặc là bệnh viện rất có trách nhiệm, cầu thị, lương tâm nghề nghiệp bị cắn rứt, muốn chia sẻ phần nào nỗi đau tầy trời với gia đình nạn nhân chả may gặp rủi ro. Mặt khác, có thể đây là hành vi dùng tiền để lấp liếm một tội trạng rõ ràng nào đó, chẳng hạn cho uống thuốc không đúng loại hay quá liều, chẳng hạn do người nhà không lót phong bì nên bác sỹ bỏ mặc sản phụ trong tình trạng nguy hiểm quá lâu, chẳng hạn do vô trách nhiệm hay đơn giản chỉ là “bỏ quên” bệnh nhân vì bác sĩ trực mải buôn chuyện, mải nhậu nhẹt hoặc ngủ quên khi đang làm nhiệm vụ v.v. Đó chỉ là những phỏng đoán không dựa trên căn cứ, không nhằm quy kết nhưng với ngành Y tế thì lại hoàn toàn có thể là hiện thực.

Giờ đây có một câu hỏi quan trọng cần phải được đặt ra là: Bệnh viện nói chung và Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh có quyền thoả thuận việc đền bù trong trường hợp như vậy hay không và, số tiền đó lấy từ nguồn nào?

Hãy tạm gác lại vế thứ hai của câu hỏi, bởi trong trường hợp này nó trở nên không phải là trọng yếu. Đã có vụ việc tiền là trọng yếu và cá nhân phải bỏ ra mặc dù làm sai khi đang thi hành công vụ, đó là vụ đền bù 650 triệu đồng của một số công an Hải Dương cho các chủ hàng tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng với vụ mẹ con sản phụ bị chết (chứ không phải một xe công-ten-nơ bạch tuộc bị thối) thì tính chất khác hẳn, không thể cứ đền bù là xong. Bởi vì không phải bất cứ vụ việc nào trong xã hội cũng có thể thoả thuận, dàn xếp bằng đền bù theo kiểu dân sự. Nguyên tắc pháp lý này quá tối thiểu, chắc chắn lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh phải nắm rõ. Chắc chắn các cơ quan thực thi luật pháp phải hiểu rõ hơn. Vì thế, chắc chắn họ phải biết việc thoả thuận đền bù như vừa xảy ra, chỉ có thể tiến hành sau khi có kết luận điều tra của các ngành chức năng, bằng một kết luận có giá trị pháp lý khẳng định ca tử vong đó hoàn toàn chỉ là rủi ro hoặc tai nạn thông thường, không có yếu tố tội phạm và việc đền bù không bị chính các cơ quan đó ngăn cản. Giả định trong vụ việc vừa rồi có yếu tố hình sự, thậm chí có yếu tố giết người (ngộ sát chẳng hạn và tôi cầu mong cho điều đó vĩnh viễn chỉ là giả thiết), thì vấn đề không chỉ còn liên quan giữa bệnh viện và gia đình nạn nhân. Trong trường hợp đó, ngay cả người bị hại cũng không có quyền “cho qua” bằng bất cứ cam kết gì.

Tôi tin rằng vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh không thể đơn giản dừng lại ở mức đền bù là xong. Sẽ phải có cơ quan nào đó vào cuộc và chúng ta chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng những gì vừa diễn ra, phản ánh một não trạng tồi tệ mà cả xã hội phải chịu trách nhiệm và phải tìm cách thoát khỏi nếu thực sự còn muốn có tương lai: Thổi phồng sức mạnh của tiền bạc và cho nó một vị trí cực kỳ ngang ngược trong cái thang giá trị. Chính vì tâm lý mọi thứ đều có thể thu xếp được bằng tiền, bằng rất nhiều tiền mà người ta cho phép mình làm mọi thứ! Một kẻ lái xe dám nhẫn tâm quay trở lại cán cho người bị chính y gây tai nạn để cho người ấy chết hẳn, bởi trong đầu hắn có sẵn cả dãy con số tiền bạc. Hắn luôn thuộc lòng rằng số tiền đền cho mạng người, ít hơn số tiền phải bỏ ra để chăm sóc người đó cho đến khi lành? Một kẻ có quyền chức sẵn sàng tham nhũng lớn, vì y tin (có lý do để tin) chả may có bị lộ thì chỉ mất nhiều nhất là một nửa số tiền mà y ăn cắp được để chạy tội. Rất nhiều lái xe uống rượu, không có bằng lái…vẫn ngang nhiên chạy quá tốc độ, vì họ ỷ vào tiền có trong túi để dải dọc đường…Không thể nào liệt kê hết những ví dụ tương tự, trong mọi lĩnh vực của đời sống chứ chả riêng gì ngành Y. Ngành Y có thể tiêu cực nhiều hơn các ngành khác ở việc nhận phong bì, chứ chưa phải là nơi in đậm hơn thói quen dùng tiền lo lót mọi việc.

Đừng ai ảo tưởng mình không bị cầm tù bởi quan niệm thượng tôn tiền bạc. Sẽ đến lúc quan niệm đáng sợ ấy gõ cửa tất cả, khủng bố tất cả, nhiễm vào tất cả, làm biến dạng, dị dạng tất cả, biến tất cả thành những con tin u mê, nếu xã hội không có một biện pháp nào đó ngăn chặn sức lây lan của nó lại. Sức mạnh của tiền bạc là điều không thể nghi ngờ. Nhưng dù có bao nhiêu tiền (350 triệu hay gấp cả trăm ngàn lần số đó) cũng không thể mua được sự thanh thản của tâm hồn, không thể tạo ra những giấc mơ thần tiên, không thể làm sống lại những nụ cười và tiếng khóc hạnh phúc tuyệt với đã tắt lịm. Chỉ riêng một sự thật bình thường ấy thôi đã đủ cho thấy tiền không bao giờ bằng tất cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền có là tất cả?