Ấn tượng ban đầu với tôi về thời tiết Thụy Sĩ trong những ngày cuối năm là rất lạnh, nhiệt độ chỉ 5 – 6 độ C, bầu trời thì trong xanh, ánh nắng rực rỡ, lấp lánh trên những mái nhà, cánh rừng và đồng cỏ phủ đầy tuyết.
Sau đợt học tập, ấn tượng về xã hội và con người Thụy Sĩ đối với chúng tôi cũng đẹp đẽ như đối với thiên nhiên nơi này…
Năng động và tuân thủ pháp luật
Tôi được cử đi học ở Thụy sĩ theo Đoàn của Bộ Nội vụ tham gia khóa học “Toàn cầu hóa và Hội nhập kinh tế quốc tế” (Globalization & Intergrating into global economy) phối hợp với Trường Đại học St.Gallen tổ chức, từ ngày 07/12/2013 đến ngày 17/12/2013. Tận mắt chứng kiến và nghe các học giả, các nhà kinh tế của Thụy Sĩ nói chuyện, kể cả đi tham quan trong suốt 10 ngày từ các thành phố St.Gallen, Zurich, Basel, Bern, Geneva… khiến tầm mắt và kiến thức của mình được mở rộng.
Tại đại học St.Gallen, các Giáo sư Heinz Hauser và Tiến sĩ Josef Mold giới thiệu về sự thành công của Thụy Sĩ, theo đó kinh tế Thụy Sĩ kinh tế tăng trưởng liên tục 12 năm liền (từ 2002 đến 2013) với tỉ lệ cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, dưới 3% so với toàn thế giới, trong khi dân số tăng từ 7 triệu lên tới 8 triệu người; tỷ lệ lạm phát dưới 1%/năm. Năm 2013, mức thu nhập bình quân mỗi người dân bình quân trên 75.000USD/năm, đối với người Thụy Sĩ trưởng thành lên tới 513.000USD/năm, thu nhập tối thiểu cho người thất nghiệp, không có công ăn, việc làm bình quân 2800USD/tháng… Để có được sự thành công đó, chúng tôi nhận thấy vai trò của sự tuân thủ pháp luật của công chức chính phủ, người dân và doanh nghiệp Thụy sĩ.
Quan sát hoạt động của người dân ở các thành phố như Zurich, Basel, Luzern, Bern, Geneva… chúng tôi nhận thấy xe cộ chạy như mắc cửi trên xa lộ rất trật tự, mặc dù có cảnh sát giao thông nhưng không có cảnh chen ngang, vượt tốc độ, không nghe tiếng còi xe ầm ĩ như bên Việt Nam, khi có người băng qua đường là các xe đều ngừng lại chờ cho người đi bộ đi qua; lề đường, hè phố không bị lấn chiếm, xả rác, dơ bẩn; tuyệt đối cấm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; các cửa hàng, nhà cửa sơn đầy màu sắc, trang trí đẹp mắt các biểu tượng của Noel, năm mới rực rỡ lên trong môi trường rất sạch và đẹp… Ở Thụy Sĩ, các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, sở hữu trí tuệ, bí quyết thương mại, nhãn hiệu hàng hóa được luật pháp của các bang quy định chặt chẽ và bảo hộ nghiêm chỉnh, nếu có ai vi phạm thì sẽ bị xử phạt rất nặng, tình trạng ăn cắp, cướp giật và trọng án giết người hầu như không có.
Sự nghiêm minh của pháp luật ở Thụy Sĩ còn được thể hiện trong từng việc nhỏ. Khách sạn cấm hút thuốc lá trong phòng, thế nhưng vì quá nghiện, trong khi ra ngoài trời quá lạnh, nên có hai thành viên trong đoàn của chúng tôi hút thuốc trong phòng. Việc này lập tức bị phát hiện và đương nhiên bị phạt 200 Franc (gần 5 triệu đồng Việt Nam). Khi đến thăm gia đình anh Chuông, nhân viên của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), anh cho biết một chi tiết thú vị là trong một đất nước không có chiến tranh gần 400 năm, thế nhưng Luật xây dựng của Chính phủ quy định khi một công dân xây nhà, họ phải đào hầm ngầm chống bom nguyên tử, nếu không thực hiện thì sẽ không được cấp phép, yêu cầu này có vẻ vô lý, mặc dù tốn kém nhưng ngưởi Thụy Sĩ vẫn phải chấp hành.
Giàu nhất thế giới nhờ tiết kiệm và tự tin
Từ thời trung cổ, những người dân các nước xung quanh như Đức, Áo, Pháp, Ý vì tránh sự đàn áp hà khắc của nhà thờ, của chế độ phong kiến, tránh các cuộc chiến tranh Áo - Hung, Pháp - Đức… đã bỏ trốn vào dãy An-pơ để sinh sống và đã hình thành nên quốc gia Thụy sĩ. Sống trong cảnh nghèo khổ, gian nan trong một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, đất đai, đồng cỏ hẹp và cằn cỗi nên người Thụy Sĩ có tinh thần tiết kiệm rất cao. Thụy sĩ được đánh giá là một trong những nước mà tệ nạn tham nhũng gần như không có, với bộ máy và biên chế gọn nhẹ, nhiều cơ quan chính phủ chỉ có vài ba người, thế nhưng năng lực điều hành rất tốt.
Chính phủ và người dân tuy giàu, nhưng tiết kiệm triệt để, mọi chi tiêu của các cơ quan chính phủ được tính toán chi ly từng đồng một, không có xe công và tài xế phục vụ, nếu một quan chức chính phủ nào sử dụng thì phải trả tiền; các nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách nước ngoài đến thăm viếng đều được hoan nghênh, nhưng với điều kiện là phải tự chịu chi phí, đoàn của chúng tôi cũng không ngoại lệ, hôm ở thành phố St.Gallen, chúng tôi đã được ông đại diện thương mại của chính phủ ở khu vực St.Gallen mời ăn tối với 3 món rất đơn giản: rau, bánh mì, beefsteak và đồ ngọt tráng miệng. Người dân ở đây ăn mặc giản dị, vẫn còn đi những chiếc xe hơi sản xuất từ thế kỷ trước, xe điện, xe bus và xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu của các công chức chính phủ, doanh nhân và người dân. Tại các nhà hàng không có cảnh thức ăn đầy bàn và dân nhậu uống bia rượu vô tư, không ai la hét, làm phiền thực khách bên cạnh như ở Việt Nam.
Những người Thụy Sĩ mà chúng tôi tiếp xúc tràn đầy sự năng động và tự tin, trao đổi lưu loát nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý. Họ được đào tạo trong một hệ thống giáo dục hoàn thiện và tiên tiến, chuyên nghiệp, gắn bó chặt chẽ với nhu cầu xã hội, của doanh nghiệp; đào tạo những lĩnh vực mà họ có thế mạnh như tài chính, ngân hàng, khách sạn, thương mại, vận tải, hậu cần; phân luồng đào tạo nghề, đào tạo đại học ngay từ phổ thông; tự các doanh nghiệp, cá nhân có tài chính đều có thể mở trường để đào tạo công nhân lành nghề, phục vụ lại cho công ty sau này. Ở Thụy Sĩ không có sự phân biệt đối xử là học hay không học đại học, nghề này cao quý, danh vọng hơn nghề kia, nếu làm việc mẫn cán, có tài thì một công nhân cũng nộp thuế cao như một người kỹ sư.
Họ tự tin khi đối diện với những thách thức mà hội nhập kinh tế toàn cầu đưa đến, ví dụ như phải nới lỏng chính sách nhập cư do sức ép từ EU (mỗi năm lên tới 80.000 người, bằng dân số của thành phố Lucern, Bern), buộc phải công khai danh tính khách hàng gửi tiền ảnh hưởng nghiêm trọng đến công nghiệp tài chính, ngân hàng… thế nhưng họ cho rằng, những người lao động của họ có trình độ chuyên môn, chất lượng và có tính chuyên nghiệp cao, có những sản phẩm uy tín, chất lượng, chính xác, lợi dụng công nghệ thông tin, kinh nghiệm của hàng trăm năm buôn bán với quốc tế… nên họ đủ tư cách để tham gia sân chơi lớn này.
Tác giả và các thành viên trong đoàn
Tận dụng thương mại hóa toàn cầu
Do có vị trí địa lý là nằm ở trung tâm của Trung Âu, nên Thụy Sĩ có tính quốc tế hóa cao từ rất sớm, lợi dụng chính sách trung lập để buôn bán, trao đổi mậu dịch với các nước Pháp, Đức, Áo, Ý… Từ đây xuất hiện các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, vận chuyển, cung cấp thuốc men, thực phẩm với các nước xung quanh và trên thế giới. Thụy Sĩ cổ súy toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; khôn khéo, linh hoạt để đạt đạt được lợi ích lớn nhất trong đàm phán các hiệp định thương mại song phương, đa phương; tham gia ký hiệp ước thương mại với EU, nhưng không gia nhập vào Liên minh này với mục đích bán được nhiều hàng hóa cho thị trường khổng lồ này; tận dụng các Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác như UN, ILO, Unicef, WHO… chọn Thụy sĩ để đặt trụ sở, để cho người dân cho các nhân viên ngoại giao, các phái bộ quốc tế thuê nhà, cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thu hút khách du lịch để kiếm tiền.
Chính vì vậy, mà ngành dịch vụ đóng góp hơn 70% trong tỉ trọng các ngành kinh tế của đất nước tươi đẹp này. Mỗi năm, Thụy Sĩ tiếp nhận hàng chục tỉ USD từ khắp các nơi trên thế giới đổ về do sự chuyên nghiệp và tính bảo mật cao của hệ thống ngân hàng nơi đây. Số lợi nhuận thu được từ dịch vụ này là nguồn thu khổng lồ cho đất nước với chỉ hơn 7 triệu dân. Ngoài ra, hệ thống khách sạn, các cơ sở công nghiệp kỹ thuật cao, cần độ chính xác lớn và các sản phẩm từ nông nghiệp hiện đại mang lại cho người dân Thụy Sĩ không chỉ công ăn việc làm, thu nhập cao, điều mà không phải quốc gia châu Âu nào cũng có được.
Người Thụy Sĩ không quan tâm đến các vấn đề đại loại như doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào đóng vai trò chủ đạo, lĩnh vực kinh tế nào là mũi nhọn, chính phủ phải làm gì để quản lý có hiệu quả nền kinh tế, mà họ cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, chỉ có những doanh nghiệp nào tham gia sâu vào kinh tế toàn cầu thì đó là những doanh nghiệp chủ đạo. Doanh nghiệp nào linh hoạt, năng động tích cực tìm kiếm thị trường, sản xuất ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao thì đó là doanh nghiệp mũi nhọn. Chính phủ bớt can thiệp vào thị trường, tạo môi trường để cho doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, giảm trợ cấp, gỡ bỏ các hàng rào thuế quan… và chủ động hơn trong giải quyết những thách thức từ toàn cầu hóa.
Người dân của nước này rất hạnh phúc, họ không băn khoăn khi đóng thuế, vì họ biết nguồn tiền thu được đã được chính phủ Thụy Sĩ đầu tư rất nhiều cho giáo dục, môi trường, y tế và an sinh xã hội; đồng thời họ tự nguyện đóng góp sức mình để cải tạo nhà ở đẹp đẽ, đường phố sạch sẽ, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái sạch đẹp cho thành phố, thị trấn của mình. Những dòng sông, hồ nước trong vắt, nhìn thấy tận đáy, những cánh rừng thông, bạch dương bao quanh ở St.Gallen, Zurich, Geneva… khiến đất nước Thụy Sĩ trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách trên thế giới.
Những ngày ở Thụy Sĩ đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc, nhiều suy nghĩ và mơ ước trong tương lai không xa, đất nước mình cũng sẽ giàu có, môi trường sạch đẹp, có nhiều sản phẩm chất lượng, có lòng tự tin như người Thụy Sĩ.