Sáng nay (4/3), Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 4 điểm cầu (Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đắk Lắk) tập huấn chuyên sâu về Công ước chống tra tấn.
Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo hội nghị
Đây là Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ của các tổng cục, bộ tư lệnh, cục trực thuộc Bộ, các học viện, trường CAND; đại diện các đơn vị chuyên trách và đơn vị có chức năng liên quan thuộc Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị đã nghe các thạm luận của Tiến sỹ Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao; Đại tá Đặng Ngọc Hiệp, Phó Cục trưởng Cục hướng dẫn tạm giam, tạm giữ, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an
Đặc biệt, Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan và Kế hoạch thực thi Công ước. Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, hiện các trại giam trên có nước có khoảng hàng chục ngàn phạm nhân; mỗi năm xảy ra khoảng 79.000 vụ án hình sự… Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, cán bộ công an phải nỗ lực hết sức mình; phải thay đổi nhận thức khác trước hoàn toàn nhằm mang lại hiệu quả cao trong việc triển khai hiệu quả Công ước Chống tra tấn cũng như thực hiện tốt Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi).
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã tập trung thảo luận các nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến Công ước chống tra tấn, công tác bảo đảm an ninh, trật tự và các yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan chức năng trong thực thi Công ước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương sau hội nghị này tiến hành ngay việc phổ biến, quán triệt sâu rộng các nội dung của Công ước và nhiệm vụ, hoạt động cần triển khai đến toàn bộ cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt chú trọng các cán bộ, chiến sỹ thuộc các cơ quan quản lý giam giữ, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Công an các xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, bảo đảm phổ biến toàn bộ nội dung của Công ước và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, cũng như đối với công tác Công an để toàn lực lượng có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và triển khai thực hiện Công ước đạt hiệu quả cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an.