Cơ bản đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Báo cáo Chính trị của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh 5 vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét thêm.
Sáng ngày 23/9, Tỉnh ủy Yên Bái long trọng tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, dự và chỉ đạo đại hội.
Tham dự đại hội còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương; Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; cùng đại diện lãnh đạo Quân khu II, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, lãnh đạo chủ chốt của Ban Chấp hành Đảng bộ qua các thời kỳ.
Đoàn Chủ tịch Đại hội
Hơn 320 đại biểu, đại diện cho gần 58.000 đảng viên của toàn Đảng bộ, về dự Đại hội.
Những thành tựu đạt được Yên Bái nhiệm kỳ qua là hết sức tự hào
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng, khá toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020.
Cụ thể, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh nhiều thuận lợi và cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, song, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết một lòng, bản lĩnh vững vàng, xiết chặt kỷ cương, kiên định, giữ đúng nguyên tắc, quyết tâm chính trị cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ; đặc biệt hướng mạnh về cơ sở, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Kinh tế tăng trưởng khá trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, gấp 3 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 63%, đứng thứ tư cả nước. Sản xuất công nghiệp được cơ cấu lại, giảm tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng tỉ trọng ngành chế biến gắn với nâng cao giá trị và bảo vệ môi trường. Dịch vụ, du lịch phát triển nhanh, đa dạng, phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch và hình thành một số sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu, có thương hiệu trong nước và nước ngoài .
Thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt kết quả quan trọng. Cải cách hành chính đạt hiệu quả tích cực, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hạ tầng đô thị, nông thôn và hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc với trên 50% số xã và 2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2015.
Chất lượng văn hóa - xã hội ngày càng được nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm; an sinh xã hội được quan tâm; giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe của nhân dân có tiến bộ vượt bậc, góp phần quan trọng phát huy nhân tố con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được tăng cường, chủ động phòng ngừa, giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xã hội ngay tại cơ sở; bảo đảm ổn định chính trị, xã hội cho phát triển và giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hoạt động của cấp ủy, chính quyền có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hơn. Yên Bái được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, biên chế; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhiều tiến bộ, trách nhiệm cao với công việc, sâu sát cơ sở. Sức mạnh đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao.
Theo Thường trực Ban Bí thư, những thành tựu đạt được của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ vừa qua là hết sức tự hào; thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, làm nên diện mạo mới, tươi đẹp hơn cho quê hương Yên Bái; tạo niềm tin, nền tảng, tiền đề quan trọng để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ tới.
Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư và các đại biểu tham dự Đại hội
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý, Đại hội cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, phân tích, làm rõ hơn những hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ vừa qua, đó là: Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp.
An sinh xã hội trên một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao còn khó khăn. Xây dựng, phát triển văn hóa có mặt chưa chuyển biến nhiều, chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của đồng bào các dân tộc. Nguồn nhân lực và năng suất lao động còn hạn chế.
Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển. Chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có nơi hiệu quả còn thấp. Tôi đề nghị, Đại hội cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để sớm có giải pháp khắc phục.
Tập trung thảo luận 5 vấn đề
Trong nhiệm kỳ tới, tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta đang đứng trước nhiều thuận lợi, đan xen với những khó khăn, thách thức, cùng nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, tại Đại hội này, cùng với đánh giá, xem xét tác động của tình hình trong nước và quốc tế đối với Yên Bái, Đại hội cần phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn riêng có của tỉnh nhà, trên cơ sở đó thảo luận sâu sắc, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu thiết thực, phù hợp với thực tế, phấn đấu thực hiện cho bằng được mục tiêu: Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025; nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Cơ bản đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét thêm.
Thứ nhất, cần tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nội lực để xây dựng tỉnh nhà theo hướng : "Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tập trung phát triển, cơ cấu lại nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch nông thôn; tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị; mỗi xã có một sản phẩm (OCOP) bảo đảm tiêu chuẩn, thương hiệu quốc gia, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sự hài lòng về chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường; giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo gắn với đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường; phấn đấu Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tận dụng lợi thế hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch. Tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, gắn với bảo đảm môi trường phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp, trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Thứ ba, phải hết sức coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, coi đây là vấn đề sống còn đối với mỗi người dân và quá trình phát triển của tỉnh.
Tập trung phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển kinh tế rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tăng thêm tỷ lệ che phủ rừng (hiện đang là 63%). Cùng với đó, phải quan tâm bảo vệ môi trường, nguồn nước hồ Thác Bà, sông Hồng và các con sông trên địa bàn tỉnh.
Chúng ta phải nhận thức đầy đủ rằng, nhiệm vụ này là một trong những nội dung bảo đảm cho Yên Bái "Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"; đồng thời, góp phần rất quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, sự ổn định và phát triển bền vững của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.
Thứ tư, quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Chăm lo nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác an sinh, phúc lợi xã hội. Tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững; coi trọng và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, gắn với khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", tạo sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững.
Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Năm là, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động bất thường. Đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an ninh dân tộc, tôn giáo, nông thôn, an ninh mạng...; trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, không để bị động, bất ngờ; phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, dân chủ, lành mạnh, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân các dân tộc.
Sáu là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tập trung làm tốt công tác tư tưởng chính trị, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm nhiều hơn công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu. Tiếp tục xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số một cách bài bản, chiến lược, lâu dài.
Liên quan nội dung này, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao việc Đại hội xem xét đề ra chỉ tiêu về số đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. Theo Thường trực Ban Bí thư, đây là chỉ tiêu mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng bộ Yên Bái cần quyết tâm thực hiện thật tốt.