Một nhóm người đi xe ba gác gắn logo thương binh “dàn trận” trên phố Gia Ngư (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) để ép nợ, có người trong nhóm còn xô đẩy, đánh vào mặt người dân.
Sáng 19/10, một nhóm người đi nhiều xe gắn logo thương binh đã tới phố Gia Ngư, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội để ép nợ. Hình ảnh được người dân ghi lại cho thấy, trên các xe ba gác này có treo banner hình ảnh một cặp vợ chồng tên N.T.T và P.K.L kèm dòng chữ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhóm người tới “ép nợ” này rất chuyên nghiệp, còn cho mở loa với nội dung: “Yêu cầu anh N.T.T và chị P.K.L chủ quán lẩu nướng số 32 Gia Ngư – con bà N.T.X trả số tiền 5 tỷ 170 triệu đồng đã lừa đảo chiếm đoạt của gia đình chúng tôi suốt 3 năm nay”.
Nhóm người này còn phát thông tin cho rằng, có rất nhiều người bị anh T. và chị L. dàn cảnh cuộc sống sang chảnh ăn chơi để lừa đảo và vay tiền, sau đó quỵt nợ. Do anh T. và chị L. trốn nợ nhiều lần trong nhiều năm nên rất khó khăn để Công an và chủ nợ tìm được tung tích. Số tiền lừa đảo lên tới gần 50 tỷ đồng từ năm 2019 đến nay và tất cả đều chuyển sang tên mẹ đẻ và mẹ vợ là bà N.T.B.X để quỵt nợ.
Khi thấy nhóm người này tới gây rối, ép nợ, một người phụ nữ ngoài 40 tuổi đã ra tranh luận thì bị một người trong nhóm này xô đẩy, đánh vào mặt.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công lý, người bị nhóm người đi xe gắn logo thương binh đánh vào mặt là bà N.T.B.X, mẹ ruột của chị P.K.L. “Đây không phải lần đầu nhóm người đi xe gắn logo thương binh tới đây gây rối, ép nợ. Sáng 14/10 cũng có một nhóm người đi xe gắn logo thương binh tới đây quấy rối, nhưng họ không “đụng chân đụng tay” như nhóm người này”. Bà X. nói với phóng viên Báo Công lý.
Theo bà X. nhóm người này sau khi gây rối còn quay video, đăng tải lên mạng xã hội nhằm xúc phạm uy tín, danh dự, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của bà và gia đình.
“Quán số 32 Gia Ngư là của tôi. Ai vay nợ thì phải trả. Nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo thì trình báo Công an. Mà sự thật thì Công an cũng đã mời con rể tôi tới làm việc, nhưng không có dấu hiệu lừa đảo. Vậy sao lại cho xe gắn logo thương binh tới quán ăn của tôi để gây rối, ép nợ. Con rể tôi có thường trú, tạm trú ở đây đâu?”, bà X. bức xúc.
Bà X. cho biết thêm, trước năm 2020, con rể bà là N.T.T có quan hệ tình cảm với một phụ nữ tên P.H.T, ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó, 2 bên làm ăn, vay mượn thế nào, số tiền bao nhiêu gia đình bà không biết.
Tới tháng 3/2020, N.T.T kết hôn với con gái bà là P.K.L thì trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện thông tin gia đình tôi đã lừa đảo số tiền gần 50 tỷ đồng, trong đó của P.H.T là 5 tỷ 170 triệu đồng. “Nhóm người này không chỉ xúc phạm trên mạng xã hội, còn nhắn tin đe dọa con gái tôi là sẽ tới trường để tìm cháu tôi”, bà Xuân bức xúc và cho biết đã trình báo với cơ quan Công an.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, một lãnh đạo phường Hàng Bạc cho biết, đã nắm được thông tin và chỉ đạo lực lượng Công an xuống để nắm tình hình. Bước đầu, vị lãnh đạo này xác nhận do mâu thuẫn nợ nần giữa con rể bà X. và bà X. cũng không phải người địa phương, mà chỉ thuê quán ở đây để mở cửa hàng.