Sẩm tối. Đứng từ trên cao nhìn xuống thung lũng Vĩnh Yên như cái hố sâu đen đặc. Tháng qua tháng, năm qua năm, hơn 300 trăm hộ dân của 12 bản thuộc xã Vĩnh Yên (Bảo Yên, Lào Cai) phải sống trong cảnh lầm lũi, tối tăm.
Hết đời này đến đời khác, họ hy vọng được sống trong ánh điện nhưng đến nay đó vẫn chỉ là một giấc mơ.
Biệt lập giữa núi rừng
Xã Vĩnh Yên có tổng cộng 17 bản với 872 hộ dân chủ yếu là người dân tộc Tày, Dao, Mông. Trong số đó, có đến 12 bản vẫn chưa có ánh sáng đèn điện. Nơi đây được coi là "thung lũng đen", bởi cứ đêm xuống tất cả lại vùi lấp trong bóng tối.
Để đến được Vĩnh Yên phải băng qua những con dốc cao dựng đứng, đường từ trung tâm huyện vào tới nơi men theo triền núi xa tít tắp. Suốt cả một chặng đường không gian xung quanh vắng hiu hắt chỉ thấy toàn đá núi chênh vênh, cây cối um tùm.
Mất nửa ngày đường, "thung lũng đen" mới hiện ra trước mắt, những ngôi nhà sàn lưa thưa nằm vắt vẻo trên sườn đồi, lẩn khuất trong cánh rừng thâm u. Bản làng vắng vẻ không một bóng người, đi mãi mới thấy những đứa trẻ lấm lem đang vày vò bên dòng suối.
Như thể từ khi sinh ra chưa nhìn thấy người lạ, khuôn mặt lũ trẻ chợt tái nhợt khi thấy chúng tôi rồi bỏ chạy thục mạng ẩn mình trong những ngôi nhà sàn trống hoắc. Anh bạn dẫn đường thều thào: “Bao nhiêu năm rồi chắc chưa có ai tìm đến những cái bản này. Nơi khỉ ho, cò gáy thì ai đến làm gì cơ chứ, nên thấy người lạ chúng sợ như người ngoài hành tinh ấy”.
Cả mấy bản mới có một gian hàng bé xíu bán nước uống và một vài đồ dùng dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng, ngoài mấy gói mì tôm và lèo tèo dăm túi lương khô thì cái "đại lý" duy nhất này không có thêm mặt hàng nào khác. Hỏi gì bà chủ quán cũng lắc đầu rồi cười ngượng ngịu: "Nhà tôi chỉ có những thứ này thôi. Dân ở đây chuộng mì tôm và lương khô, kẹo mút. Những thứ khác nhập về họ cũng không bao giờ mua. Nước lạnh, bia lạnh thì là hàng xa xỉ rồi vì ở đây không có điện". Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau mà ngao ngán.
Khốn khó trăm bề
Không có điện sinh hoạt, cuộc sống của bà con dân bản lâm vào cảnh bế tắc, khó khăn trăm bề. Không phát triển được kinh tế, cái đói nghèo cứ bám riết đến từng gia đình chẳng chịu buông. Nhà nào cũng hoàn cảnh hao hao như nhau, không có điều kiện cải thiện cuộc sống vốn dĩ ngặt nghèo, đói kém.
Không điện, người dân không được dùng nước máy từ dưới giếng, thay vào đó là nước suối để sinh hoạt, tưới tiêu. Khổ nhất là những lúc xay xát gạo phải mang vác mấy cây số đến những gia đình khá giả dùng máy phát để xát nhờ.
Máy phát điện tự chế và cũng là nỗi hiểm hoạ chết người
Hàng nghìn bà con trở thành những người thất nghiệp, sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi sắp cạn kiệt của núi rừng. Thanh niên, trai tráng bỏ làng đi làm ăn xa vì không chịu nổi cái khổ, trẻ em thất học ngày càng nhiều khiến thôn bản trở nên vắng bóng, đìu hiu.
Nan giải nhất là vấn đề tiếp cận thông tin, văn hoá, văn nghệ. Có những gia đình cả đời chưa một lần được nghe đài, xem tivi. Hỏi tên lãnh đạo nhà nước cũng không đưa ra được tên tuổi của vị nào. Việc hỉ cũng như việc hiếu, buồn như đưa đám, không một tiếng nhạc, chẳng điện đóm mà chỉ leo lét đèn dầu, lễ nghi qua loa, đại khái.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ẩm thấp, mới 5 giờ chiều mà tưởng chừng đã nửa đêm, ông Hoàng Xuân Chiêm, Trưởng thôn Nặm Kỳ bộc bạch: “Bản Nặm Kỳ có tất cả 43 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu, chỉ có vài gia đình khá giả sử dụng máy phát điện, đa phần thắp bằng đèn dầu. Bao nhiêu năm qua, người dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương mong điện về dân bản nhưng đến nay vẫn chỉ là niềm mong mỏi của bà con… Họ bảo phải chờ”.
Bao giờ hết… "khát"?
Đêm xuống không khí ảm đạm lại bao phủ cả cái thung lũng nghèo nàn, lạc hậu này. Hàng trăm năm nay, người dân vẫn “khát” một ánh đèn điện. Nhưng "khát" đến bao giờ thì câu trả lời mãi vẫn là điệp khúc quen tai "phải chờ", một câu trả lời nghe chệch choạc và thất vọng.
Để có điện sử dụng, một số bản may mắn như Co Mặn, Khuổi Phéc, Nặm Ngược dùng máy phát điện tự chế, dựa vào nguồn nước chảy từ khe suối. Tuy nhiên, "ngày no tháng đói" điện nước chập chờn, tối như đèn đom đóm. Họ dường như đã chán nản với cái thứ máy có thể mang "văn minh" về cho thôn bản ấy. Bởi, đôi khi nó còn là một hiểm hoạ khó lường.
Anh Lưu Văn Tan, bản Co Mặn vươn cổ chỉ tay về phía cái máy phát điện nằm trơ trọi giữa cánh đồng lúa khô khát. Anh Tan cho biết việc chạy máy phát điện chỉ dùng vào việc thắp sáng một vài tiếng buổi tối, không dùng được lâu, mà tỉ lệ rủi ro cao. Không những thế, đặt điện ở khe suối, mưa bão cột đổ, người đi qua đụng phải cũng bị giật chết. Vào mùa khô, nước ít dân bản lại sống nhờ vào đèn dầu.
3 đứa trẻ học dưới một ngọn đèn dầu
Ví dụ sinh động cho những cái chết chỉ vì muốn cuộc đời được "sáng" hơn là trường hợp của anh Ma Văn Cầu, anh Lưu Văn Thiếm ở bản Co Mặn. Chỉ mới đây thôi họ đều bị máy phát điện tự chế giật chết một cách oan ức và đau đớn. Thế nhưng, để có ánh sáng nhiều khi họ vẫn liều, vượt biên sang Trung Quốc ôm lấy một cái máy để về phát sáng chứ cứ trông chờ vào điện lưới thì e rằng còn xa lắm.
Đêm về khuya, chiếc đèn dầu Hoa Kỳ bập bùng vặn hết cỡ cũng chỉ đủ soi sáng một góc nhà. Bên ngoài tiếng ếch nhái đua nhau hò reo rỉ rả, tiếng gió thổi vi vút se lạnh. Trong góc tối, chúng tôi lắng nghe biết bao nỗi niềm, tâm sự của bà con dân bản. Mỗi đêm xuống, họ lại vật vờ như những bóng ma suốt cả cuộc đời trong chính ngôi nhà mình. Không biết "phải chờ" đến bao giờ, người dân mới được sống trong ánh đèn điện. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa họ cũng vẫn "phải chờ"!
"Cả xã có 17 bản thì 12 bản vẫn chưa có điện lưới. Do các bản nằm tách biệt với bên ngoài, địa hình khó khăn. Chúng tôi đã đề xuất lên cấp trên sẽ triển khai xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong thời gian sớm nhất đưa điện lưới về cho thôn bản, nâng cao cuộc sống cho bà con”. Ông Hoàng Công Đơn, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Yên nói. |
Đoàn Gia