Thuế đất năm 2011: Khó lại càng khó!

congly.com.vn| 13/04/2012 11:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính sách về thuế đất liên tục có sự điều chỉnh và tăng cao đang gây nhiều khó khăn, bất lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là ý kiến của các doanh nghiệp có mặt tại tại hội thảo “Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình thuê đất và các vấn đề liên quan đến thuế” được tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội

Doanh nghiệp than khó!


Năm 2011, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn như lãi suất ngân hàng tăng cao, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng do lạm phát, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thêm vào đó, giá tính tiền thuê đất năm 2011 tăng từ 1,5 đến 5 lần so với năm 2006 và tỷ lệ phần trăm để xác định đơn giá thuê đất cũng được điều chỉnh từ 0,5% lên 1,5%, tăng gấp 3 lần. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, chi phí thuê đất tăng đến như vậy là không hợp lý, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhận định.

Giá thuế đất tăng cao gây nhiều khó khăn, bất lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Rất nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đều bất ngờ với giá thuê đất áp dụng từ năm 2011 theo Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ. Dẫn chứng cho những bất cập liên quan tới thuế đất, Giám đốc Công ty Thiết bị Hồng An, Hải Phòng cho biết, theo thông báo của chi cục thuế, doanh nghiệp phải nộp tiền thuê đất năm 2011 cao gấp 18 lần so với năm 2010. Thời gian tính thuế áp dụng từ tháng 3/2011, nhưng ngành thuế Hải Phòng lại tính từ tháng 1/2011. Hơn thế nữa, ngay sát đó là doanh nghiệp cáp điện liên doanh với Hàn Quốc lại được hưởng ưu đãi thuế đất thấp hơn 215% so với doanh nghiệp Hồng An, tạo nên tâm lý chung cho các doanh nghiệp Việt trên cùng địa bàn về sự thiếu bình đẳng.

Tương tự, Công ty Thiên Sơn, tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm nộp thuế cho lô đất 10.700m2 với mức 180 triệu đồng năm 2010, nay phải nộp 986 triệu đồng năm 2011 (tăng 7,6 lần), tạo sức ép lớn đối với doanh thu của doanh nghiệp. Tổng giám đốc Công ty Thiên Sơn nhấn mạnh: việc điều chỉnh giá đất là cần thiết, song nên có lộ trình và nếu tăng giá theo thị trường thì chỉ nên áp dụng cho khu vực đầu tư kinh doanh bất động sản. Đối với khu vực phục vụ sản xuất, tạo thêm giá trị gia tăng và giải quyết công ăn việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của địa phương thì nên có chính sách ổn định về giá thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Ông Đào Xuân Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp quận Lê Chân, Hải Phòng lại có ý kiến rằng, đối với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp hoặc gia công chế biến nằm ngoài các khu công nghiệp thường thuê đất để làm nhà xưởng sản xuất với thời hạn lâu dài trên 20 năm, không sử dụng đất thuê vào mục đích thương mại hay kinh doanh bất động sản, nên nếu áp dụng địa tô chênh lệch để làm cơ sở tính đơn giá thuê đất cho năm 2011 là chưa hợp lý.

Ý kiến của các doanh nghiệp đều hướng tới một quan điểm chung là ủng hộ việc điều chỉnh giá thuê đất theo tinh thần của Nghị định 121, tuy nhiên, việc quản lý thị trường bất động sản còn nhiều bất cập nên việc xác định giá đất theo giá thị trường để tính thuế cho các doanh nghiệp sẽ không phản ánh đúng giá trị thực của đất đai, đồng thời tạo nhiều sức ép cho các đơn vị thực thi. Ngoài ra, cần có ứng xử công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước về thuế đất, cũng như nên có chính sách thuế đất áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp và ưu tiên các ngành sản xuất công nghệ cao

Hài hòa các lợi ích

Tiếp nhận những ý kiến đề xuất từ các doanh nghiệp, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Vụ Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có những đối thoại và trả lời các câu hỏi từ phía doanh nghiệp và hiệp hội các doanh nghiệp. Tựu chung, sẽ sớm có những nghiên cứu, xem xét nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình thuê đất, cùng các vấn đề liên quan đến thuế đất.

Tổng hợp nhiều bình luận, đánh giá của các quan sát viên có mặt tại hội thảo cho thấy, lâu nay các địa phương đã áp dụng thuế đất đối với các doanh nghiệp ở mức quá thấp. “Nhiều nơi chỉ khoảng 1.000 đồng/m2/năm nên việc điều chỉnh tăng thuế theo quy định mới dễ gây sốc cho các doanh nghiệp là lẽ đương nhiên”, ông Đào Xuân Bình nêu ý kiến. Trên thực tế, từng có rất nhiều doanh nghiệp được giao đất, thuê đất đã bỏ hoang hóa nhiều năm, không đưa vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên và thất thoát tài sản của Nhà nước. Đó là chưa kể tình trạng, nhiều doanh nghiệp cắt đất được giao, được cho thuê, để cho thuê lại nhằm thu lợi nhuận gây bất bình trong dư luận và thất thu ngân sách.

Hơn nữa, nếu lấy doanh nghiệp Thiên Sơn, Thanh Hóa làm ví dụ điển hình thì với tổng doanh thu năm 2010 đạt 50 tỷ đồng, trong đó, tổng đầu tư là 25 tỷ đồng và tiền thuê đất là 1,8 tỷ đồng thì đủ thấy rằng, các chi phí đầu vào gồm cả thuế đất không thấm vào đâu so với tỷ lệ lợi nhuận.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp có chung nhận thức cần cố gắng hơn nữa trong việc tiết kiệm chi phí, vật tư nguyên liệu, năng lượng và ổn định doanh nghiệp để tập trung phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn mong muốn các cơ quan quản lý, các đơn vị chức năng nghiên cứu, xem xét và tìm hướng giải quyết triệt để nhằm tháo gỡ các vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thạch Huệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuế đất năm 2011: Khó lại càng khó!