Về trách nhiệm chứng minh tội phạm; Quy định người bào chữa trong luật tố tụng hình sự Việt Nam; trả hồ sơ để điều tra bổ sung; thủ tục xét hỏi tại phiên tòa và tranh tụng tại phiên tòa... là những vẫn đề đáng quan tâm trong bài viết này.
Về trách nhiệm chứng minh tội phạm
Tại Điều 10 của BLTTHS có quy định “… Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nội hàm của quy định này, song việc quy định Tòa án cũng có trách nhiệm chứng minh tội phạm là không hợp lý, vì Tòa án là cơ quan xét xử mà buộc Tòa án phải chứng minh tội phạm khi Tòa án không có chức năng điều tra là không phù hợp, không đúng với chức năng xét xử của Tòa án. Xét xử là hoạt động đặc trưng, là chức năng, nhiệm vụ của Toà án và Toà án là cơ quan duy nhất được đảm nhiệm chức năng xét xử theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay. Do vậy, buộc Tòa án cũng phải chứng minh tội phạm tại phiên tòa là không phù hợp.
Quy định người bào chữa trong luật tố tụng hình sự Việt Nam
Theo các quy định tại Điều 11, 48, 49, 50, 56, 57, 58 BLTTHS năm 2003, cũng như một số văn bản dưới luật thì quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo cũng như thẩm quyền và trách nhiệm cũng đã được đặc biệt chú ý. Song thực tế áp dụng thì nảy sinh những bất cập từ những quy định của BLTTHS dẫn đến nhận thức của một số người tiến hành tố tụng trong các vụ án lại không có sự thống nhất hoặc lợi dụng những quy định của BLTTHS để lựa chọn người bào chữa mà chính người được cấp giấy chứng nhận bào chữa lại không hề có kiến thức pháp luật hoặc có thì cũng rất hạn chế dẫn đến chất lượng tranh tụng tại phiên tòa không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp như tinh thần của Nghị quyết số 08/NQ - TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị.
Tại khoản 1 Điều 57 BLTTHS đã quy định "người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn". Song trên thực tế, người đại diện hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có mời luật sư bào chữa cũng ít khi được cơ quan điều tra chấp nhận với lý do chưa có ý kiến của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đã thành niên. Cách vận dụng và hiểu như vậy chỉ đúng và phù hợp với trường hợp các bị can, bị cáo đang ở tại ngoại. Còn những bị can, bị cáo đang bị tạm giam thì không thể thực hiện được vì:
Người bào chữa chưa được cấp giấy chứng nhận thì không được phép vào trại để gặp bị can, bị cáo và gia đình của họ lại càng không được phép gặp, nhất là trong giai đoạn điều tra để họ đích thân ký giấy mời luật sư.
TS Phạm Minh Tuyên
Nếu không có giấy yêu cầu đích thân của bị can thì cơ quan điều tra lại không cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa.
Hậu quả dẫn tới là đã vô hiệu hóa, không thi hành được một quy định tiến bộ đã được ghi trong luật và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Dẫn đến không bảo đảm được quyền bào chữa của bị cáo, rất nhiều trường hợp khi ra Tòa bị cáo mới đề nghị hoãn phiên tòa để thực hiện việc mời luật sư dẫn đến phiên tòa phải hoãn, kéo dài.
Vấn đề trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Theo quy định tại Điều 179 BLTTHS thì các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung cũng đã rõ nhưng hiện nay có những vướng mắc trong vấn đề này thể hiện ở chỗ theo quy định tại khoản 2 Điều 121 BLTTHS thì Viện kiểm sát hay Tòa án chỉ được trả hồ sơ cho cơ quan điều tra không quá hai lần nhưng thực tế không phải lúc nào Viện kiểm sát cũng chấp nhận việc trả hồ sơ của Tòa án, rất nhiều trường hợp sau khi nhận hồ sơ thì Viện kiểm sát lại có công văn trả lại ngay mà không thực hiện những yêu cầu của Tòa án về vấn đề trả hồ sơ. Nếu trả đến hai lần mà Viện kiểm sát vẫn không thực hiện thì đương nhiên Tòa án phải đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 179 BLTTHS, nhưng tại phiên tòa sau phần thẩm vấn, Hội đồng xét xử hoặc chính đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa cũng thấy rằng vụ án cần phải được điều tra bổ sung và đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa chuyển hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong trường hợp này, đương nhiên Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung và như vậy là trả hồ sơ lần thứ ba.
Hiện BLTTHS cũng không có điều luật nào quy định vấn đề này, thông thường khi Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vẫn chỉ vận dụng các quy định tại khoản 2 Điều 199, theo chúng tôi vận dụng như vậy cũng chưa chính xác cũng như quy định tại khoản 2 Điều 199 cũng chưa đầy đủ và hợp lý, vì: Khoản 2 Điều 199 quy định về bản án và các quyết định của Tòa án, những vấn đề này được xem xét tại phòng nghị án và mọi vấn đề được xem xét sau phần tranh luận và đến phần nghị án nếu đã đến phần nghị án thì đương nhiên phải có việc tuyên án. Nếu muốn trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thì Hội đồng xét hỏi phải quay trở lại phần xét hỏi và việc trả hồ sơ lần thứ ba để điều tra bổ sung như đã nói ở phần trên thì có vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 121 BLTTHS không? Hơn nữa, trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì phải quyết định hoãn phiên tòa mà theo quy định tại Điều 194 BLTTHS thì không quy định hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa và tranh tụng tại phiên tòa
Quy định tại Điều 207 BLTTHS về trình tự xét hỏi tại phiên tòa, như hiện nay là không phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, vì: Theo quy định tại Điều 207 thì chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm và đại diện Viện kiểm sát hỏi. Như vậy, đại diện Viện kiểm sát là người công bố bản cáo trạng và có trách nhiệm bảo vệ bản cáo trạng tại phiên tòa nhưng lại tham gia thẩm vấn sau cùng. Có nhiều trường hợp, Hội đồng xét xử hỏi hết cả, đến khi đại diện Viện kiểm sát muốn hỏi thì không có gì để hỏi và như vậy, trách nhiệm buộc tội lại thuộc về Hội đồng xét xử và Hội đồng xét xử vừa buộc tội, vừa xử án, như vậy là không phù hợp và không thể nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa như tinh thần của Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị được.
Tại khoản 3 Điều 51 BLTTHS có quy định: "Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa". Nhưng tại Điều 217 quy định về trình tự phát biểu khi tranh tụng chỉ quy định "Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn..." chứ không có chỗ nào quy định thời điểm mà người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội. Mặc dù Nghị quyết số 03/2004/NQ - HĐTP ngày 2/10/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trong trường hợp này thì thì người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại tham gia tranh luận theo trình tự thông thường, song hướng dẫn đó chưa giải đáp được những vướng mắc như quy định tại khoản 3 Điều 51 vì vấn đề đặt ra là họ trình bày lời buộc tội trước hay đại diện Viện kiểm sát trình bày lời buộc tội trước và bị cáo, luật sư của bị cáo sẽ tranh luận đối với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát hay với lời buộc tội của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại.
Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS năm 2003:
Thông qua quá trình khảo sát thực tiễn áp dụng BLTTHS năm 2003 căn cứ vào các vướng mắc được rút ra từ thực tiễn áp dụng BLTTHS. Chúng tôi mạnh dạn đưa ra những kiến nghị nhằm sửa đổi bổ sung một số quy định của BLTTHS như sau:
Về trách nhiệm chứng minh tội phạm
Nên sửa đổi Điều 10 BLTTHS, không nên quy định Tòa án cũng phải có trách nhiệm chứng minh tội phạm mà chỉ nên quy định này đối với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát để tại phiên tòa Kiểm sát viên với tư cách là chủ thể buộc tội phải có trách nhiệm chứng minh tội phạm, tranh luận với người bào chữa là chủ thể gỡ tội trong việc bảo vệ bản Cáo trạng của mình. Còn Tòa án với tư cách là Cơ quan xét xử sẽ nghe kết quả tranh tụng giữa chủ thể buộc tội và chủ thể gỡ tội từ đó có những phán quyết về một con người có tội hay không có tội.
Về vấn đề người bào chữa
Tại Điều 56 chỉ nên quy định người bào chữa là luật sư chứ không nên đưa cả người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân là người bào chữa. Để bảo đảm đúng quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nên quy định quyền im lặng trong tố tụng hỡnh sự, để bảo đảm người phạm tội được quyền khai báo hoặc không khai báo khi có luật sư hoặc không có luật sư, có như vậy mới tránh được tình trạng ép cung, bức cung, dùng nhục hình dẫn đến oan sai như vụ Nguyễn Thanh Chấn là một điển hình.
Về vấn đề tranh tụng
Để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa như tinh thần của Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và tiến trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ - TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị, cần sửa đổi Điều 207 về "trình tự xét hỏi" theo hướng: Việc xét hỏi tại phiên tòa chủ yếu do đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa hỏi, còn Hội đồng xét xử chỉ hỏi khi thấy cần thiết và các câu hỏi của Hội đồng xét xử chỉ mang tính gợi mở.
Cần có quy định bổ sung trong BLTTHS về trình tự tranh tụng đối với người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại trong những trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, để việc điều hành phiên tòa được thống nhất.