Thực hư chuyện công nhân náo loạn vì khu công nghiệp bị "ma ám" (kỳ 1)

Hoàng Dung| 10/11/2014 08:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn một tháng nay, chuyện công nhân công ty sản xuất hương của một doanh nghiệp nước ngoài bị ma nhập là đề tài bàn luận sôi nổi của những người dân sống quanh khu công nghiệp Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).

"Đừng xin vào đấy..."

Trong vai người đi tìm việc, hỏi thăm một chị công nhân vệ sinh tại KCN Lương Sơn về công ty sản xuất hương của một doanh nghiệp nước ngoài. Chị lao công nhiệt tình chỉ dẫn: “Chú định xin vào làm à? Sao không xin vào các công ty khác ở đây nhiều chỗ tuyển công nhân lắm. Mình còn trẻ, đừng xin vào đấy...”.

Thấy người hỏi tỏ vẻ nghi ngờ chị lao công khẳng định: “Công nhân và người dân quanh đây đang hoang mang cho rằng, công nhân trong đó bị “ma nhập”. Gần đây mới bị một “vố” công nhân được nghỉ làm hết ngày hôm đó…"

Quả thật chị lao công không hề nói đùa, đem câu chuyện của chị đi hỏi những công nhân khác và người dân sống quanh KCN ai cũng xác nhận điều này. Tuy nhiên, tất cả trong số họ đều chỉ nghe kể lại rồi người nọ truyền tai người kia, không ai được chứng kiến trực tiếp sự việc.

Ngay cả chị công nhân vệ sinh nhiệt tình, cũng chỉ được nghe gián tiếp qua lời kể của những người bảo vệ ở công ty. Dù vậy, nội dung lời kể của mọi người khá khớp nhau đều có chi tiết công nhân đang làm bị "ma nhập" vào kêu khóc, nói lung tung, cào cấu, đòi lập bàn thờ, đòi ăn thứ nọ thứ kia…Nguyên nhân được phỏng đoán là do công ty sản xuất hương mà không có cúng bái gì cẩn thận nên hay có “ma khát, ma đói” về hoành hành?

KCN Lương Sơn (Hòa Bình) nơi xuất hiện dư luận công nhân có biểu hiện như bị

KCN Lương Sơn (Hòa Bình) nơi gần đây xôn xao công nhân bị...ma nhập

Đem những thông tin có phần “liêu trai, hoang đường” này đến Ban quản lý KCN Lương Sơn xác nhận lại thì một vị lãnh đạo Ban quản lý khẳng định đúng là có chuyện công nhân có những biểu hiện bất thường như trong dư luận. Tuy nhiên, hoàn toàn không có ma quỷ gì ở đây, lỗi chủ yếu là do công nhân mê tín, chưa quen với tác phong công nghiệp nên dưới cường lao động cao trong nhà máy, cộng thêm chế độ ăn uống không được tốt nên mệt mỏi, ức chế, dễ nảy sinh hoang tưởng, nói lung tung nhất là trong môi trường sản xuất ngày nào cũng tiếp xúc với hương, thậm chí vị lãnh đạo này còn phỏng đoán có thể những công nhân này có “bệnh lý về tâm thần”.

Trên đường trở ra có người ghé vào tai nói nhỏ rồi phóng xe đi mất: “Anh còn phải xuống đây nhiều, ở đây có nhiều chuyện ly kỳ lắm anh ạ”.

Người trong cuộc nói gì?

Nhá nhem tôi mới gặp được quản lý sản xuất Basavanna (Basu) người Ấn Độ. Dù vậy, khi được hỏi về những thông tin liên quan đến các biểu hiện bất thường của công nhân tại doanh nghiệp thì cả ông Basu và quản lý nhân sự Việt Nam cho biết, khi xảy ra sự việc hai người đều không có mặt tại công ty nên không thể cung cấp thông tin? Khi đó chỉ có Phó Tổng giám đốc có mặt chứng kiến sự việc, nên mọi thông tin chỉ có ông ấy mới nắm bắt được.

Mang vấn đề này đi gặp Phó tổng Giám đốc công ty thì lại nhận được câu trả lời mọi việc ở công ty tại Hòa Bình ông không được chứng kiến mà chỉ nghe báo cáo qua điện thoại. Ông cũng phủ nhận luôn thông tin có những biểu hiện bất thường liên quan đến công nhân của công ty.

Tuy nhiên, với những người công nhân, chuyện "ma" về quấy nhiễu vẫn còn ám ảnh suốt cả một tháng nay.

Chị Nguyễn Thi Th, công nhân tổ đứng máy cho biết: “Trong vòng  1 ngày rưỡi có 5 công nhân có những biểu hiện như bị “ma nhập”. Bắt đầu từ chiều ngày 19/9, một công nhân nữ 18 tuổi đang làm tự nhiên nhắm tịt mắt, ngồi khoanh chân khóc lóc, nói lung tung, đòi lập bát hương, đòi ăn xôi với thịt gà...

Sự việc tiếp diễn trong suốt mấy tiếng đồng hồ, quản lý nhà máy và mọi người đành phải hứa tạm là sáng mai sẽ có có xôi gà như yêu cầu, nhưng mọi thứ chỉ kết thúc khi người nhà đến đón người công nhân này về”.

Xưởng sản xuất hương của công ty Ấn Độ, tại KCN Lương Sơn, Hòa Bình

Xưởng sản xuất của một công ty tại KCN Lương Sơn, Hòa Bình

Sáng hôm sau, vào ca sáng một công nhân đang làm thì bị ngất sau khi tỉnh dậy có biểu hiện giống hệt người buổi chiều hôm qua. Cũng ngay lúc đó, một công nhân khác đang làm bỗng chạy ra ngoài hè khóc lóc tự xưng mình là “cô Ba” và kêu đói, đòi ăn.

Khi quản lý và mọi người đem bánh đến thì không chịu và nhất quyết đòi ăn xôi và thịt gà đúng như lời hôm qua đã hứa…

Chị Bùi Thị T, công nhân tổ phơi, người chứng kiến tận mắt cảnh tượng buổi chiều hôm đó kể lại: “2 đứa chúng nó đang ngồi máy bỗng nhiên dừng lại, tự mình quét dọn sạch sẽ chỗ mình theo hình một chiếc quan tài, rồi bắt đầu nói nhảm bảo đây là nhà của cháu, bố mẹ cháu dặn là phải trông nhà không thì bị mất hết đồ, mọi người đến gần thì nó kêu khóc, cào cấu ngăn cản bảo không được phá nhà của chúng".

Người dân Mường gần đó đồn thổi nhau rằng, trước đây khu vực đó là một nghĩa trang của người Mường. Sau khi di dời các nghĩa trang để xây dựng Khu công nghiệp thì vẫn còn sót những ngôi mộ vì thế mới xảy ra chuyện.

Sau khi sự việc xảy ra công nhân ca tối được nghỉ, công ty có họp và trấn an công nhân nhưng phải mất một tuần sau mọi người mới trở lại trạng thái tâm lý bình thường. Kể từ đó đến nay, không có điều gì bất thường xảy ra nữa, 4 trong số 5 công nhân “tạm coi là bị ma nhập” đã trở lại đi làm bình thường.

Phía sau câu chuyện "ma nhập" gây xôn xao khu công nghiệp này là gì? Chúng tôi sẽ đề cập đến trong bài viết sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hư chuyện công nhân náo loạn vì khu công nghiệp bị "ma ám" (kỳ 1)