Thủ tướng chỉ rõ cần tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội.
Chiều 14/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hội nghị được tổ chức tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu Ủy ban Nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Đoàn; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập năm 2002 nhằm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hơn nữa của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40-CT/TW).
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và hơn 03 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư cũng như Quyết định số 401/QĐ-TTg và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam.
Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 47 ngàn tỷ đồng, từ đó nâng tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 373 ngàn tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 351 ngàn tỷ đồng.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất-kinh doanh.
Qua đó giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch COVID-19…
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Bên cạnh đó, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen,” thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đóng góp tích cực xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong cả nước.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương và đại diện đối tượng thụ hưởng chính sách đã phát biểu tham luận, khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân; sự đánh giá cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Các đại biểu cũng cho rằng, bối cảnh tình hình thời gian tới đặt ra nhiều thách thức đến phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, đồng thời tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Do đó cần xác định rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ; lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội với các chương trình khác nhằm phát huy hiệu quả chính sách.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần “tất cả cùng phát triển, cùng hưởng lợi” và “không ai bị bỏ lại phía sau.”
Việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Thủ tướng cho biết, với quan điểm, việc thực hiện chính sách xã hội nói chung, tín dụng chính sách xã hội nói riêng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị này, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư.
Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW) đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức triển khai thực hiện.
Cho rằng, những kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, khẳng định chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo, điều hành đúng đắn của Đảng, Nhà nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân; nêu 6 mặt được và 6 bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, nhất là về cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững; một số chính sách tín dụng triển khai còn chậm…, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, tình hình có không ít khó khăn, thách thức đối với phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Do đó, cần tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Thủ tướng nhấn mạnh 6 định hướng nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Trong đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm, Nghị quyết, chương trình của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách xã hội; sớm hoàn thiện Nghị định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội từ Trung ương đến cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững.
Thủ tướng yêu cầu báo cáo, tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành, đảm bảo nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp nhận nguồn vốn ODA và mở rộng các hình thức huy động vốn… nhằm tăng cường nguồn lực để thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay các chương trình tín dụng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách các quy định liên quan tới tổ chức, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội; nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, lao động, tiền lương... nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ, phát triển ổn định, lâu dài, bền vững, đủ năng lực để thực hiện ngày một hiệu quả hơn tín dụng chính sách xã hội.
Theo Thủ tướng, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội…
Đặc biệt, với tinh thần “trung ương và địa phương cùng làm,” cần quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng (trong đó 15 ngàn tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác) cho vay mua, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội và giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội với phương châm hành động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả,” Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phát huy truyền thống, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, nỗ lực hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa, năm sau tốt hơn năm trước những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, khẳng định được sứ mệnh và trách nhiệm xã hội to lớn của mình.
Trong đó, mở rộng quy mô tín dụng, nâng cao quy mô cho vay, tăng cường đối tượng cho vay, nhất là đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, tạo cơ hội, điều kiện để các đối tượng phát huy sức mạnh nội sinh, tự tin, tự lực, tự cường, vượt lên khó khăn, thách thức, nghịch cảnh, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tiến tới làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ; góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, bao trùm, tổng thể, toàn diện, hiện đại, hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta.