Chiều ngày 10/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, nâng cao tự cường kinh tế khu vực ASEAN giai đoạn hậu Covid-19.
Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN với IMF, các tổ chức quốc tế và đối tác quốc tế khác trong việc tìm kiếm các giải pháp phục hồi tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và tận dụng những thay đổi, cơ hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á….
ASEAN tiếp tục có những bước tiến, ngày càng chủ động và thích ứng hơn
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đại dịch Covid-19, với hơn 50 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới, không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng về y tế mà còn tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội toàn cầu mà ở đó không có quốc gia hay cá nhân nào miễn nhiễm trước tác động của đại dịch.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, các quốc gia trên thế giới đã chứng tỏ nội lực, sức chống chịu và khả năng đổi mới; đưa ra những chính sách tiền tệ và tài khóa mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ; đồng thời cùng nhau tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Trong nỗ lực ấy, ASEAN là ví dụ điển hình khi hành động nhanh chóng với cam kết chính trị ở cấp cao nhất, nhờ đó nhiều sáng kiến được đưa ra như thành lập Quỹ phòng chống Covid-19, Kho dự trữ vật tư y tế và Quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, Khung phục hồi toàn diện ASEAN và Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế khu vực và kết nối chuỗi cung ứng.
Phó Thủ tướng đánh giá những nỗ lực trên của ASEAN đã giúp khu vực tiếp tục có những bước tiến trong xây dựng cộng đồng ngày càng chủ động và thích ứng hơn.
Là một trong những hoạt động bên lề của Hội nghị cấp cao ASEAN 37, Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Hội nghị sẽ đưa ra những giải pháp, khuyến nghị về chính sách, góp phần giúp các nhà lãnh đạo ASEAN đề ra các quyết sách để đưa khu vực ra khỏi khủng hoảng, thúc đẩy tự cường và phục hồi kinh tế và tăng trưởng bao trùm.
Cần có những bước đi cụ thể nhằm phát triển tiểu vùng Mekong
Trước đó, sau Hội nghị APSC 22 cùng ngày, các Ngoại trưởng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 28 Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC). Tại Hội nghị, các nước đã trao đổi về những sáng kiến trong hợp tác ứng phó chung của ASEAN đối với đại dịch Covid-19.
Các Bộ trưởng Ngoại giao đã nhất trí thông qua và trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tài liệu Điều khoản tham chiếu của Quỹ ASEAN về ứng phó dịch Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Khung phục hồi Tổng thể ASEAN. Các Bộ trưởng cũng kiến nghị các Lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố về thiết lập khuôn khổ Hành lang đi lại ASEAN và công bố thành lập Trung tâm ASEAN đáp ứng các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới nổi (ACPHEED) tại dịp Hội nghị Cấp cao.
Bên cạnh đó, các nước cũng nhất trí ASEAN cần có những bước đi cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong; gắn nội dung này với phát triển chung của ASEAN nhất là với những kế hoạch hành động như tăng cường Kết nối ASEAN (MPAC), sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)…
Hội nghị ACC lần thứ 28 đã nhất trí thông qua 11 báo cáo, gồm Báo cáo của Hội đồng điều phối ASEAN, Báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN và các trụ cột Cộng đồng và sẽ trình lên các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ghi nhận và cho ý kiến chỉ đạo