Cách đây vừa tròn 6 năm, Huổi Khon đã trải qua một lần “rừng động”. Đó là khi một số đồng bào người Mông ở đây bị kẻ xấu lợi dụng, tuyên truyền nhằm chống phá chính quyền.
Thế nhưng, bằng sự vào cuộc rốt ráo của nhiều cơ quan ban ngành với lực lượng xung kích là những cán bộ trẻ giàu nhiệt huyết, yên bình đã dần trở lại với Huổi Khon. Không còn sự u ám, tan hoang, giờ đây, vùng đất nằm bên bờ sông Nậm Nhé này đã xanh những ruộng lúa, nương ngô và dặt dìu tiếng ai hời ru con trẻ.
Không còn những bước chân di cư
“Cho tôi về phương ấy giữ trời xanh. Giữ lá biếc cho chim trời làm tổ. Cho tôi về phương ấy giữ đất bình yên, cho hoa trắng nở. Giữ dòng sông dìu dặt tiếng ai hò…”. Men theo giai điệu của ca khúc “Mây biên giới” của nhạc sỹ Ngô Huỳnh phổ thơ Viễn Phương, chúng tôi băng qua những cung đường quanh co, uốn lượn giữa núi rừng Tây Bắc để đến với Huổi Khon, đến với bản làng người Mông nơi vùng cao biên giới của xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Trong chuyên luận “Người Mông không nghe kẻ xấu”, nhà báo Trương Hữu Thiêm có viết: “Lần giở những trang vàng lịch sử, hẳn chúng ta ai cũng khâm phục và tự hào bởi các cuộc đấu tranh oanh liệt của người Mông. Trong kháng chiến, đồng bào Mông đã nô nức xung trận, cùng bộ đội mở đường, vận lương, tiếp đạn, tải thương, góp phần làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”... Trong lao động sản xuất, tấm gương các anh hùng lao động và chiến sỹ thi đua đã chứng minh cho truyền thống cần cù và tinh thần tự lực tự cường của dân tộc Mông”.
Ông Sùng A Kỷ (ngoài cùng, bên trái), trưởng bản Huổi Khon, cùng cán bộ biên phòng đi vận động đồng bào
Dân tộc Mông là vậy, những đóng góp của các thế hệ đồng bào Mông là không thể phủ nhận. Chính vì thế mà người già ở Nậm Kè vẫn còn ái ngại, khi nhắc đến những tháng ngày trời nổi cơn giông gió cách nay đã sáu mùa măng mọc. Cái xấu núp dưới danh xưng mỹ miều là "Vàng Chứ" - tức Vương chủ hay Vua Trời! Với thủ đoạn thâm độc, nhằm dần dần triệt tiêu, đồng hoá người Mông để dễ bề sai khiến, thống trị các “trưởng đạo” và “thừa tác viên” đã xúi giục bà con phá bỏ bàn thờ tổ tiên để thờ Vàng Chứ. Ngoài tuyên truyền mê tín dị đoan, kẻ xấu còn dụ dỗ, khuyến khích bà con quay lại tập tục sống du canh du cư để dễ bề lừa gạt, lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ của chúng.
Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2011, với ảo vọng hoang đường, một nhóm phần tử bất hảo theo đạo Vàng Chứ đã chọn Huổi Khon, Nậm Kè làm địa điểm “xưng bá, xưng vương” và phỉnh dụ hàng ngàn người Mông của một số xã trong huyện Mường Nhé, Điện Biên cùng các tỉnh lân cận như: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang và xa hơn là Đắk Lắk, Đắk Nông... di cư tự do về đây, tụ tập chờ đón “Vàng Chứ” “từ trên trời rơi xuống”…
Kẻ cầm đầu nhóm phản động này là Tráng A Chớ sinh năm 1985, tại Bát Xát, Lào Cai. Năm 2008, y lôi kéo một số người Mông di dân tự do sang Mường Nhé, Điện Biên. Với bản chất lười lao động, lại muốn được đề cao, trọng vọng, Chớ tự xưng là “vua Mông”… Để thực hiện giấc mộng vương quyền của bản thân, Chớ soạn thảo tài liệu với các luận điệu tuyên truyền bịp bợm, nhằm lừa phỉnh người dân mang tiền của, công sức quyên góp, cống nộp cho hắn ta và đồng bọn để thành lập cái gọi là “nhà nước Mông”. Sau nhiều ngày “ăn gió nằm sương” nơi Vàng Chứ “hạ thế” nhiều người dân đã rơi vào tình trạng ốm đau, bệnh tật, kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần …
Khi người dân đứng trước những nguy cơ bị xâm hại nặng nề, chính quyền tỉnh Điện Biên và các lực lượng đứng chân trên địa bàn đã kịp thời tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con, nhằm ngăn chặn nạn dịch bùng phát. Cùng với đó, các tổ công tác được thành lập với đầy đủ các thành phần như công an, biên phòng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, vạch rõ âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của kẻ xấu; vận động đồng bào quay trở lại nơi cư trú, không tin, không nghe theo những kẻ phao tin đồn nhảm. Trước những lời khuyên chí lý, chí tình của các cán bộ, đồng bào đã hiểu ra mọi chuyện, tự nguyện giải tán đám đông và được các ban ngành hỗ trợ phương tiện, tài chính, lương thực để trở về quê an toàn.
Kể từ đó đến nay, vùng đất Nậm Kè, Huổi Khon đã không còn những bước chân di cư tự do ồ ạt, không còn cảnh đốt rẫy, phá rừng nữa. Bản làng, thôn xóm của người Mông đã dần trở lại yên ả, thanh bình.
Làm lành những vết thương
Có một điều đáng mừng là, mặc dù vụ tụ tập đông người, gây mất trật tự trị an tại Huổi Khon xảy ra ngay trên địa bàn xã, nhưng hầu hết đồng bào Mông ở Nậm Kè vẫn giữ vững tiết tháo của dân tộc mình, một lòng tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không tin, không nghe theo luận điệu hoang đường của kẻ xấu... Một số người từng tham gia tụ tập ở bản Huổi Khon, nay cũng đã trở về nhà, sớm hôm cần mẫn nơi nương rẫy, ruộng vườn.
Ông Sùng A Kỷ, trưởng bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé chân thành bày tỏ: “Hiện nay, tất cả các gia đình ở đây đã yên tâm làm ăn, không nghe theo lời kẻ xấu, không ai xúi giục được như ngày xưa nữa. Nhà nào cũng đều có của ăn của để, yên tâm lao động sản xuất. Từ sau vụ Huổi Khon, chính quyền xã đã tích cực thực hiện các biện pháp trợ cấp, giúp đỡ cho bà con vay vốn xóa đói giảm nghèo. Cán bộ biên phòng, đoàn thanh niên còn dựng nhà cho người nghèo, giúp đỡ người già… Tất cả các hộ nghèo - kể cả những hộ đã tham gia vụ “xưng vương, lập quốc” cũng đều được trợ giúp như nhau, không ai bị phân biệt đối xử”.
Đoàn thanh niên Nậm Kè cùng Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào xây sửa nhà cửa
Giống với những người thật thà, nhẹ dạ khác, hồi đó, anh Vàng A Lý khi nghe bọn xấu tung tin: Trái đất sắp đến ngày tận thế… Nếu ai mau về “vùng đất thiêng” Huổi Khon thì sẽ được “Vàng Chứ” chở che; phong chức tước, ban bổng lộc và đưa lên “nước trời” hưởng sung sướng… Vậy là A Lý bán tống bán tháo hết của cải, dắt díu vợ con ra tụ tập ở khu vực “đồi thiêng”. Chờ đợi ròng rã chẳng thấy Vàng Chứ, phép màu, thiên đường no đủ sung sướng ở đâu, chỉ thấy khổ cực, đói khát… Những đồng tiền mồ hôi nước mắt của Lý phần bị bọn cầm đầu dụ dỗ quyên góp, phần tiêu pha lãng phí chẳng mấy chốc đã cạn kiệt.
Đau đớn hơn, không chỉ mất tiền, mất của, mà trong vụ ấy, con gái của A Lý bị thất lạc, giờ không biết ở đâu. Vợ Lý thì sau trận đày ải cơ cực đó, về nhà bị ốm chết. Còn lại một mình với đứa con trai, A Lý chỉ chán nản phó mặc số phận. Nhưng rồi được sự quan tâm, động viên giúp đỡ, không phân biệt đối xử của chính quyền và các cơ quan ban ngành, Lý đã vượt qua giai đoạn khó khăn, gây dựng lại từ đầu. A Lý thấm thía lắm: “Giờ thì có ai đến tung tin ban phép màu, cho tiền vàng mình cũng sẽ không bao giờ nghe theo đâu...”.
Cổ nhân từng dạy: “Có an cư, mới lạc nghiệp”. Câu nói đó quả đúng với người Mông ở Nậm Kè. Từ khi không còn những bước chân di cư, bà con chăm chỉ làm ăn… Đổ mồ hôi trên mảnh đất quê hương, đồng bào Mông đã gieo trồng nên những mùa màng tốt tươi, dần dựng xây nên những bản làng ấm no, giàu đẹp.
Lặng lẽ “ba bám, bốn cùng”…
Để người dân có được cuộc sống bình yên như thế này, nhờ rất nhiều vào sự cống hiến hết mình của những người lính trẻ biên phòng đứng chân trên đất Nậm Kè. Âm thầm, lặng lẽ “ba bám, bốn cùng”, các anh đến với mỗi nếp nhà, bên chén trà rừng và cùng bà con lật giở những trang sử vàng truyền thống, ôn lại các câu tục ngữ, thành ngữ của người Mông để giúp bà con thấu hiểu, thấm thía hơn về những lời di huấn giàu ý nghĩa nhân văn của tổ tiên người Mông cũng như cảnh giác hơn với luận điệu tuyên truyền bịp bợm của bọn phản động.
Trung úy Hờ A Sở - Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng 411, rủ rỉ nói với bà con rằng: “Tổ tiên người Mông từng đúc kết: “Tiền bạc trên đá/ Không làm khó nhọc thì không có tiền”. Hòn đá chỉ có thể biến thành đồng tiền, thành vàng bạc khi ta đổ giọt mồ hôi lên đó, gieo trồng cấy hái mà ra thôi, chứ tự thân nó không thể biến thành vàng, thành bạc như lời lừa mị của bọn trưởng đạo, thừa tác viên…”.
Những lời chân thành, thẳng ngay ấy được Sở và đồng đội đưa đến tai bà con lúc ở chân ruộng, khi bên giường bệnh, lúc gặp ngang đường. Thậm chí được rỉ rả vào các chiều thứ 4, thứ 6 hàng tuần, ấy là lúc Sở lại cùng cùng các đoàn viên trong đơn vị đem kéo, tông đơ, lược, sách vở xuống các bản Phiêng Vai, Nậm Kè, Trường THCS, Tiểu học Nậm Kè… cắt tóc cho nhân dân và hướng dẫn học sinh giải toán, viết văn, học hát.
Cậu bé Hờ A Thân, học sinh trường THCS Nậm Kè nói vach vách: ““Ba bám, bốn cùng” nghĩa là “bám dân, bám địa bàn, bám trọng điểm” và “cùng ăn, cùng ở, cùng bàn, cùng làm với dân”, các chú biên phòng về bản cháu giúp dân vệ sinh làng bản, sửa chữa đường ống nước sạch. Lớn lên, cháu cũng muốn làm chiến sĩ biên phòng”. Lời của công dân trẻ Thân, cộng với câu nói giản dị của những người lính biên phòng Nậm Kè: “Khi lòng ta chân phương, hướng thiện” thì việc gì khó cũng sẽ có cách vượt qua…”, đã khiến chúng tôi thầm tin về một vùng phên giậu tươi lành và vững vàng trong thời đại mới.