Sáng nay (4/3), tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới.
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ của các bộ, ban, ngành của Chính phủ, các đại diện của các cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các nhà tài trợ cũng như các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan báo chí.
Đây là sự kiện thường niên giữa Chính phủ Việt Nam và cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nỗ lực và đầu tư vào sự nghiệp bình đẳng giới để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Tháng 9/2015, tại Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua chương trình nghị sự mới đầy tham vọng nhằm chấm dứt đói nghèo, bất bình đẳng, thúc đẩy sự thịnh vượng và bảo vệ môi trường tới năm 2030. Không chỉ là một mục tiêu độc lập, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là trọng tâm của chương trình nghị sự mới này. Giới được lồng ghép và liên quan tới các mục tiêu trong 17 Mục tiêu Phát triển triển bền vững. Với mục đích nhìn lại những thành công và thách thức trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, Đối thoại sẽ là cơ hội để các đại biểu tham dự trao đổi và thảo luận nhằm đưa ra ý kiến đóng góp từ các góc nhìn khác nhau để đạt được tầm nhìn của các Mục tiêu Phát triển bền vững trong xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và bất bình đẳng.
Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội và Liên Hợp Quốc tham gia Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam khẳng định: “Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương và đường lối về bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Đối thoại hôm nay sẽ tạo ra cơ hội cho các cơ quan, tổ chức trao đổi, thảo luận và đưa ra những đề xuất để thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020, Chương trình hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 hướng tới đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”.
Đại diện cho Liên Hợp Quốc, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Bình đẳng giới là một vấn đề liên quan tới chính trị và chỉ có thể đạt được khi có những cam kết và hành động của các nhà lãnh đạo cấp cao. Vào ngày 27/9/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để xóa bỏ khoảng cách giới trong tất cả các lĩnh vực.Tôi hi vọng rằng nhiều nguồn lực hơn sẽ được phân bổ và gia tăng gấp đôi các nỗ lực để thực hiện Chiếc lược Quốc gia về bình đẳng giới và Chương trình Hành động Quốc gia về bình đẳng giới vừa mới được thông qua”.
Diễn đàn cũng đã ghi nhận những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong 5 năm qua: Những tiến bộ rõ ràng về cải cách luật pháp đảm bảo quyền con người của phụ nữ qua việc quy định nguyên tắc bình đẳng giới và cấm phân biệt đối xử giới trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và các điều Luật khác; nhận thức, hiểu biết về bình đẳng giới của xã hội đã nâng lên; mô hình và sáng kiến cung cấp dịch vụ tư vẫn, hỗ trợ bình đẳng giới trên các lĩnh vực được hình thành và duy trì. Bên cạnh đó, Đại diện Bộ LĐTB&XH cũng đã chia sẻ những đề xuất về những ưu tiên trong thúc đẩy việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam.
Toàn cảnh Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới
Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cũng đã tham gia tham luận ở những góc độ khác nhau về vấn đề bình đẳng giới. Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trình bày tổng quát về các Mục tiêu phát triển bền vững và phát triển toàn diện cho phụ nữ tại Việt Nam, trong đó có phân tích các xu hướng chủ đạo, những vấn đề giới tại Việt Nam, cụ thể, sự thiếu công bằng trong độ tuổi nghỉ hưu giữ nam giới và phụ nữ; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam vẫn còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của lao động nữ. Bài tham luận cũng đưa ra những khuyến nghị nhằm đưa bình đẳng giới vào trọng tâm của việc xây dựng chương trình phát triển quốc gia.
Đặc biệt, đại diện của giới trẻ Việt Nam cũng đã đưa ra những kỳ vọng và tầm nhìn của thanh niên Việt Nam về vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ tới năm 2030. “Tôi muốn con gái mình lớn lên có thể lên tiếng về những mong muốn của bản thân, chứ không phải là im lặng, là chịu đựng, là “hy sinh”. Và hơn hết cô gái ấy lớn lên và hiểu rõ được mình hoàn toàn có thể đạt được những điều cô ấy mong muốn khi mọi rào cản, phân biệt đối xử liên quan đến giới được xóa bỏ”.
Kết thúc Diễn đàn, Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới để đảm bảo một xã hội công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái. Bình đẳng thực chất sẽ mang lại một tương lai bền vững cho Việt Nam.