Thủ tướng: Xây dựng nông thôn mới theo mô hình nông thôn của khát vọng khởi nghiệp

Quang Vũ/TTXVN| 30/09/2016 15:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 30/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng: Xây dựng nông thôn mới theo mô hình nông thôn của khát vọng khởi nghiệp

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. Ảnh Chính phủ

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020, tính đến giữa tháng 9 năm nay, cả nước có 2.045 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 23% số xã cả nước. Song vẫn còn 300 xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí. Cả nước có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới và dự kiến đến cuối năm nay, sẽ có khoảng 30 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu tổng quát của chương trình này là đến năm 2020 có 50% số xã cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình là hơn 850.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 11,6%, còn 88,4% là từ nhiều nguồn lực khác nhau như từ người dân, doanh nghiệp, tín dụng…

Với mục tiêu đến năm 2020, bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015, Ban Chỉ đạo cho rằng, trọng tâm cần tập trung vào 4 nhóm nội dung thành phần chủ yếu là hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã; thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ và cải thiện môi trường; giữ vững và tăng cường an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Đối với các xã đã đạt chuẩn, lựa chọn nội dung phù hợp với kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến, tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020 là hơn 193.000 tỷ đồng.

Đánh giá tổng thể chương trình sau 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng vì đã có sự nhận thức và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong thực hiện cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được của chương trình 5 năm qua đã làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn; số hộ nghèo giảm nhanh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; nhiều địa phương có sáng kiến, mô hình, kinh nghiệm tốt.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương các tổ chức, đoàn thể, bộ ngành, địa phương và người dân nỗ lực thực hiện chương trình và đạt kết quả to lớn thời gian qua, Thủ tướng cũng nêu lên một số bất cập như một số nơi chưa quan tâm đến tổ chức sản xuất của nông dân. Thủ tướng chỉ rõ yếu tố nâng cao ứng dụng khoa học kỹ thuật, tái cơ cấu nông nghiệp ở nông thôn để nâng cao đời sống của người dân chứ không chỉ là xây dựng các công trình. Ngoài ra, đời sống văn hóa của một bộ phần người dân nông thôn còn nghèo nàn, chưa quan tâm văn hóa truyền thống địa phương; môi trường tự nhiên và xã hội ở nông thôn còn nhiều bất cập, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, sông suối.

Thủ tướng phê bình tình trạng chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực quá mức và đánh giá công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa nghiêm túc.

“Đây là biểu hiện của bệnh thành tích. Đạt thì chúng ta nói đạt, chưa đạt phải nói chưa đạt. Một số xã tôi đi kiểm tra thấy có tình trạng này. Một số nơi công nhận rồi, thậm chí công nhận sớm thì phong trào nâng cao đời sống của người dân chững lại, cầm chừng. Đây là điều đáng lo ngại, có sự thỏa mãn non của cán bộ trực tiếp, khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân và quê hương còn hạn chế”, Thủ tướng nói.

Nhắc nhở một số địa phương có tình trạng cấp ủy chính quyền thiếu quan tâm đến chương trình, nên kết quả còn thấp, Thủ tướng khẳng định xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng, là nhiệm vụ chính trị, phải kiên trì, kiên nhẫn tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt. Xây dựng nông thôn mới giúp giảm khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, là thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo, việc đầu tiên là phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu, trong việc xây dựng nông thôn mới; phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên.

Việc công nhận, biểu dương, khen thưởng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, không chạy theo thành tích. Thủ tướng yêu cầu mọi ngành, mọi cấp, từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện và các ngân hàng thương mại, các tổ chức có liên quan, đều phải có chương trình hành động chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Nông thôn mới phải là nông thôn của thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, có tinh thần doanh nghiệp. Vừa qua ở nông thôn nhiều nông dân làm máy chế biến năng suất rất cao. Phải khởi nghiệp theo hướng đó chứ không phải con trâu đi trước cái cày theo sau”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải chú ý đến việc giúp người dân khu vực nông thôn tiếp cận thông tin, khoa học công nghệ; chú ý đến tỷ lệ sử dụng internet, mật độ doanh nghiệp nông thôn, chỉ số thương mại, thị trường và đặc biệt là thúc đẩy thương mại điện tử trong xây dựng nông thôn mới để sản xuất gắn liền với tiêu dùng. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn từng vùng miền; xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền với đô thị văn minh; chú trọng bảo vệ môi trường, nước sạch cho người dân nông thôn, nhất là các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề môi trường, đô thị văn minh, biến đổi khí hậu phải được cụ thể hóa trong chỉ đạo. Đây là điểm mới trong giai đoạn 5 năm này.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, thông qua lồng nghép các nguồn vốn các chương, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, các chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó đẩy mạnh huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, các hình thức đầu tư PPP, nhất là với các lĩnh vực có thể xã hội hóa được như xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa thể thao.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1730 của Thủ tướng Chính phủ; một trong những tiêu chuẩn của phong trào thi đua là các tỉnh, huyện, xã không để xảy ra nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.

Để khuyến khích phong trào, nếu xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đặc biệt khó khăn có nhiều nỗ lực vươn lên trong xây dựng nông thôn mới sẽ được tặng Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ và thưởng công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng. Huyện nếu đạt chuẩn nông thôn mới được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3 và thưởng công trình phúc lợi trị giá 10 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Xây dựng nông thôn mới theo mô hình nông thôn của khát vọng khởi nghiệp