Chính trị

Thủ tướng: Thể chế là đột phá chiến lược

PV 13/04/2025 - 09:34

Sáng ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025 nhằm xem xét, cho ý kiến đối với 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Phiên họp có sự tham dự của các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ.

img0959-17445084236932069658157.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025 - Ảnh: VGP

Theo chương trình, phiên họp thảo luận, cho ý kiến về: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch; Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò trọng yếu của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, coi đây là một trong ba đột phá chiến lược.

Thủ tướng khẳng định thể chế phải mang tính thông thoáng, là nguồn lực, động lực phát triển; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển bền vững và mang lại giá trị lâu dài.

Thủ tướng nhận định, thể chế hiện đang là "điểm nghẽn của các điểm nghẽn", nhưng đồng thời cũng là yếu tố có thể tháo gỡ nhanh chóng và hiệu quả, nếu có tư duy đổi mới và hành động quyết liệt.

Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã tổ chức tới 35 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Từ đầu năm 2025 đến nay, đã có 3 phiên họp được tổ chức, tập trung xem xét 18 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết.

Việc xây dựng thể chế ngày càng được đổi mới, nhấn mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của địa phương, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Trung ương. Ông cũng chỉ đạo quyết liệt việc loại bỏ các thủ tục hành chính phức tạp, gây tốn kém thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

img0956-17445084940301821081045.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng chỉ rõ, trong công tác xây dựng các dự án luật, pháp lệnh phải chú ý làm rõ: Những nội dung kế thừa, lược bỏ, vì sao?; Những nội dung sửa đổi, hoàn thiện, vì sao?; Những nội dung bổ sung, vì sao?; Những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, vì sao?; Những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao?; Những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn như nghị định, quyết định, thông tư để cụ thể hóa các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, số lượng luật và nghị quyết được đưa ra xem xét, thông qua là rất lớn. Chính phủ dự kiến trình 35 văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ họp này.

Trước khối lượng công việc dày đặc và yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tại phiên họp phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đổi mới tư duy.

Thủ tướng đề nghị các báo cáo, ý kiến cần được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào các vấn đề cốt lõi, nhất là những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Thể chế là đột phá chiến lược