Thủ tướng: Sóc Trăng cần tập trung cải thiện ngay hai chỉ số PCI và PAPI

Xuân Lan| 28/04/2022 18:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung cải thiện ngay Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

thu-tuong-soc-trang-can-cai-thien-ngay-2-chi-so-papi-va-cpi.jpg
Thủ tướng:  Trung ương không bỏ rơi tỉnh nhưng tỉnh phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại

Phát biểu kết luận cuộc, Thủ tướng đánh giá trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.

Tỉnh đã triển khai tương đối có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng dương, thu ngân sách tương đối tốt trong điều kiện khó khăn. Tỉnh giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các hoạt động kinh tế đối ngoại được triển khai đúng hướng, có hiệu quả.

Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của Sóc Trăng còn nhỏ, thu ngân sách chưa nhiều, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã tốt nhưng so với yêu cầu, tiềm năng phải cố gắng hơn nữa. Các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chỉ số hài lòng của người dân còn chưa cao. Tiềm năng lớn nhưng hạ tầng chưa tương xứng, cơ chế, chính sách chưa nhiều. Hạ tầng y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số còn rất hạn chế.

Hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh

Phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với tình hình Sóc Trăng, quán triệt nghiêm túc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 120 của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt. Thủ tướng lưu ý, tỉnh cụ thể hóa các nghị quyết, chiến lược, quy hoạch này các bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu Sóc Trăng tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng, nỗ lực rồi phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

"Trước đây, trong chiến tranh, chúng ta đã biến các di sản, truyền thống đó thành động lực để bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ngày nay, chúng ta phải biến di sản thành tài sản để xây dựng và phát triển. Trong đó, sức mạnh đại đoàn kết giữa các dân tộc chính là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường giám sát kiểm tra, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Tiếp tục xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe tiếp thu những ý kiến xây dựng xác đáng của nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.

Về các lĩnh vực phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi tư duy từ "phát triển sản xuất nông nghiệp" sang "phát triển kinh tế nông nghiệp", nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Thúc đẩy liên kết các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp chế biến thủy, hải sản; năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và các ngành hàng khai thác thế mạnh nguyên, vật liệu tại địa phương. Chú trọng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi tăng trưởng các ngành dịch vụ, du lịch gắn với đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, nhất là phát triển du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên các đặc trưng của tỉnh; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch.

Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, cương quyết cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, chậm tiến độ; dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài.

Một nhiệm vụ mà tỉnh cần tập trung trong năm 2022 là công tác quy hoạch, cập nhật không gian phát triển mới, bảo đảm tiến độ và chất lượng quy hoạch. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung cải thiện ngay Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Tăng cường thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, lĩnh vực biển, khí tượng thủy văn và ứng phó biến đổi khí hậu. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm. Thủ tướng lưu ý việc nghiên cứu, sử dụng nguồn tài nguyên cát biển cho các hoạt động xây dựng vừa hiệu quả, vừa bảo đảm môi trường.

Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Tổ chức triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là quan tâm nâng cao trình độ văn hóa, giáo dục, giải quyết sinh kế, hạ tầng xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục cho người dân. Giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5

Cùng với đó, thực hiện tốt phòng, chống khô hạn và xâm nhập mặn. Tăng cường triển khai các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, nhất là tình hình sạt lở bờ sông, đê biển.

Đồng thời, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ đời sống và sản xuất của người dân trong mùa khô hạn. Thúc đẩy, tạo điều kiện hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp với tỉnh Sóc Trăng để giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5, trong đó có cảng biển Trần Đề, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, chất lượng tiến độ. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng phê duyệt.

Thủ tướng nhấn mạnh việc lựa chọn nhà đầu tư cảng biển Trần Đề theo hình thức hợp tác công tư, tỉnh Sóc Trăng phải có quyết tâm cao, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, từ đó xác định phương thức đầu tư phù hợp, tiến hành theo các quy định hiện hành, nếu vướng mắc thì đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, hạn chế "những việc lớn Trung ương đã làm, còn một số việc không lớn lắm, Trung ương không bỏ rơi tỉnh nhưng tỉnh phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cũng cho ý kiến định hướng và nhấn mạnh quyết tâm giải quyết vấn đề liên quan tới Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 hiện đang chậm tiến độ, giao Bộ trưởng Công Thương với trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác về Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai các biện pháp, thống nhất phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Sóc Trăng cần tập trung cải thiện ngay hai chỉ số PCI và PAPI