Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm

Phú Khởi 31/03/2024 - 14:37

Ngày 31/3, tại TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Cho đến nay, Đề án đã được triển khai thực hiện gần 20 năm. Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg được xem là bản quy hoạch đầu tiên, đóng vai trò tiên phong, mở đường và định hình hướng phát triển của “Đảo Ngọc” Phú Quốc.

Với các kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh như hiện nay, càng cho thấy ý nghĩa, cũng như tầm quan trọng trong việc quan tâm, ban hành chính sách của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đối với sự phát triển của thành phố đảo đầu tiên của cả nước.

Hoàn thành hầu hết mục tiêu đặt ra

TP. Phú Quốc nằm trong Vịnh Thái Lan, diện tích tự nhiên 593km2, gồm 2 phường và 7 xã. TP. Phú Quốc gồm 27 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất. nằm trong vùng biển Tây Việt Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang.

ttg-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết đề án phát triển đảo Phú Quốc

TP. Phú Quốc cách TP. Rạch Giá khoảng 120km, cách Hà Tiên 46km, có mặt biển giáp với các nước ASEAN, gần đường vận chuyển hàng hóa quốc tế từ Đông sang Tây, cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay, rất gần các trung tâm du lịch phát triển và công nghiệp của các nước trong vùng như: Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Từ một huyện nghèo, thiếu điện, đường, trường trạm, dân cư thưa thớt, Phú Quốc đã vươn lên là thành phố đông dân thứ 5/15 đơn vị hành chính của tỉnh Kiên Giang với cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp hiện đại: có cảng tàu đón tàu du lịch trọng tải lớn, có sân bay quốc tế và đặc biệt là thu hút mạnh vốn đầu tư tư nhân, đầu tư phát triển trên các lĩnh vực nhất là lĩnh vực du lịch.

chu-tri.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết đề án phát triển đảo Phú Quốc

Để đáp ứng nguồn năng lượng cho đảo Phú Quốc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc; đường dây trên biển 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc cấp điện cho đảo Phú Quốc. Từ khi Phú Quốc có nguồn điện quốc gia, Phú Quốc đã có sự phát triển nhộn nhịp hơn.

Theo báo cáo, năm 2023, giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp - thủy sản của Phú Quốc đạt 4.530 tỷ đồng, đạt 102,95% so kế hoạch; giá trị công nghiệp- xây dựng 21.077 tỷ đồng, đạt 99,39% so kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 34.892 tỷ đồng, đạt 119,82% kế hoạch, thu ngân sách 7.812 tỷ đồng, tăng 113 lần sơ với năm 2004.

ttg.jpg
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Kiên Giang phát huy nội lực đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Quyết định 178 đã cụ thể đường lối chủ trương của Đảng, nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để Phú Quốc phát triển. Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và thành tựu mà TP. Phú Quốc đã thực hiện cơ bản đã đạt được các mục tiêu Quyết định 178 đề ra, thu hút đầu tư đạt kết quả ấn tượng từ chỗ không có dự án nào nay đã có hơn 300 dự án với vốn đăng ký trên 400.000 tỷ đồng.

Thủ tướng cho rằng Phú Quốc có 6 hơn: Tiềm lực được tăng cường hơn, hạ tầng đồng bộ hơn, vai trò Phú Quốc tăng hơn, đóng góp ngân sách nhiều hơn, đời sống người dân nâng cao hơn và thời cơ thuận lợi nhiều hơn.

Bên cạnh thuận lợi, Thủ tướng cũng chỉ ra thách thức đặt ra cho Phú Quốc, đó là: Phát triển chưa đúng tầm với tiềm năng lợi thế sẵn có; phát triển có nhiều yếu tố thiếu bền vững như chưa có nhà máy xử lý rác, nhà máy xử lý nướ thải, hạ tầng cấp nước cho dân số đang tăng; nguồn nhân lực yếu, thiếu; cơ chế huy động vốn chưa đáp ứng yêu cầu.

Để Phú Quốc phát triển nhanh hơn, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng đề án mới về phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2040, phù hợp với quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng khắc phục cơ chế chính sách hạn hẹp; đề xuất cơ chế huy động nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường công tác kiểm tra, cơ chế huy động nguồn lực thông thoáng nhưng phải tránh tiêu cực.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang, TP. Phú Quốc phải phát huy tính tự lực, tự cường, tin tin, đi lên bằng bàn tay, khối óc, khung trời, vùng biển, tự lực, tự cường không trông chờ, không ỷ lại.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng du lịch; hạ tầng văn hóa; hạ tầng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo kỹ năng nghề; hạ tầng y tế; hạ tầng chuyển đổi số, công nghệ thông tin; hạ tầng môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất liên khu vực, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, bảo đảm an sinh xã hội, đưa Phú Quốc là thành phố biển đảo phát triển theo mô hình đa trung tâm, mạnh về kinh tế, vững chắc về an ninh quốc phòng, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Thu hút đầu tư dẫn đầu khu vực

Phú Quốc thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm quanh năm. Điều kiện khí hậu và thời tiết của Phú Quốc khá thuận lợi để phát triển kinh tế, phát triển du lịch mà hầu hết các đảo, quần đảo của Việt Nam và thế giới không có được, đây là một lợi thế đặc thù để xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch hiện đại, tầm cỡ quốc tế.

a-1.jpg
Phú Quốc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Với những lợi thế đó, tốc độ tăng du lịch của TP. Phú Quốc trong giai đoạn 2011-2023 đạt khoảng 20 - 30%, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt trên 38%/năm, cao gấp 6 lần mức bình quân chung của cả nước. Ngành du lịch - dịch vụ của Phú Quốc chiếm tỷ trong 70% trong cơ cấu giá trị sản xuất của Phú Quốc và tạo công ăn việc làm cho khoảng 70% dân số trên đảo.

Năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt khách tham quan du lịch; trong đó khách quốc tế trên 560.000 lượt, chiếm 4,48% cả nước.

Được sự quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch của TP. Phú Quốc cơ bản hoàn chỉnh, các khu, điểm du lịch được hình thành và phát triển như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông…

Thông qua các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư trong ngoài và nước, với những cơ chế thông thoáng, ưu đãi hấp dẫn, tình hình đầu tư Phú Quốc đã có bước phát triển đột phá, thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn quan tâm tìm hiểu và triển khai dự án đầu tư tại Phú Quốc, nhiều doanh nghiệp được thành lập và số lượng không ngừng tăng qua các năm, cụ thể:

Đến năm 2023, TP. Phú Quốc đã có 4.404 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142.000 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần số doanh nghiệp thành lập và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004.

anh-vin.jpg
Phú Quốc đã thu hút trên 300 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lích với số vốn đăng ký trên 400.000 tỷ đồng

Khu kinh tế Phú Quốc đã thu hút được 321dự án đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412.000 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh, trong đó có 312 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 10.111 ha.

Những dự án đi vào hoạt động có các sản phẩm mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Hệ thống cáp treo tại Hòn Thơm, quần thể vui chơi giải trí GrandWorld, khu vui chơi giải trí Sun World HonThom Nature Park, khu vui chơi giải trí Vinwonder, Khu vườn thú bán hoang dã Safari, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay, Casino Phú Quốc…, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Park Hyatt, Intercontinental, Novotel, Accor, Regen, Movenpick…, và nhiều loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch: sản phẩm du lịch sinh thái gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo; sản phẩm du lịch gắn liền với các di tích lịch sử, các công trình văn hóa và danh lam thắng cảnh; Sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch gắn liền với lễ hội, tín ngưỡng; Sản phẩm du lịch MICE, Các sản phẩm độc đáo hiện đại mang tầm cỡ quốc tế nêu trên có khả năng thu hút hàng trăm nghìn du khách tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mỗi ngày.

ong-binh.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đề xuất Chính phủ phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho địa phương trong thời gian tới

Theo ông Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hàng Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Phú Quốc là một trong những địa phương cấp huyện có quy hoạch vào năm 2004, điều đó cho thấy Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đến hòn đảo có nhiều tiềm năng này.

Quyết định 178 đã mở ra các điều kiện hết sức thuận lợi để Phú Quốc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề để thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Bình quân 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra đã thu về hơn 11 đồng vốn ngoài ngân sách.

Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang cũng trăn trở, bên cạnh thành quả nổi bậc thì TP. Phú Quốc vẫn còn một số hạn chế. Vấn đề nổi lên hiện nay là bộ máy quản lý hành chính “như chiếc áo chật” chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý đất đai chưa theo kịp sự phát triển; hạ tầng kỹ thuật tuy được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng, nhất là lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải; nguồn nhân lực được quan tâm đào tạo nhưng vẫn còn yếu và thiếu…

Nhằm để khắc phục những hạn chế trên, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép phân cấp cho Tỉnh phê duyệt quy hoạch điều chỉnh phân khu chức năng, điều chỉnh cục bộ; phân cấp nguồn vốn đầu tư mạnh hơn cho địa phương; quy định cụ thể dự án nào thuộc diện nhà nước thu hồi; hướng dẫn cụ thể về đấu giá, đấu thầu giao đất, cho thuê đất; đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch phục vụ đa mục tiêu; cho phép Phú Quốc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị; tiếp tục tăng thời gian thí điểm cho người Việt Nam vào chơi ở Casino tại Phú Quốc….

Qua 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc có nhiều chuyển biến rõ rệt: Doanh thu từ hoạt động dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch năm 2023 đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng gần 50 lần so với năm 2004; tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng tăng gần 64 lần so với năm 2004; tổng mức bán lẻ hàng hoá bình quân hàng năm tăng gần 20%; tổng thu ngân sách năm 2023 đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so với năm 2004. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm