Liên quan tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở một số nơi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các cơ quan chưa thật tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế. Ông nêu rõ các đơn vị phải tích cực hơn nữa, "lăn lộn với thực tế" để có giá thuốc phù hợp thị trường và người dân chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.
Chiều ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, lãnh đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tiếp tục thần tốc hơn nữa trong triển khai tiêm vaccine
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời. Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý, tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc và triển khai nhiều giải pháp về vấn đề này.
Trước tình hình còn nghiêm trọng, cuộc họp hôm nay tiếp tục đánh giá sát tình hình, diễn biến, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, thảo luận các giải pháp, thúc đẩy các công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan tiếp tục bám sát, đánh giá tình hình, mức độ thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một cách chính xác, khách quan, trung thực, toàn diện trên cơ sở số liệu thống kê, phân tích cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan, đưa ra giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường do vaccine giảm khả năng miễn dịch theo thời gian và việc xuất hiện các biến chủng mới, một số đối tượng chưa tiêm đủ liều theo mục tiêu đề ra.
Do đó, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thần tốc hơn nữa trong triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, đánh giá về miễn dịch cộng đồng, tích cực hơn nữa việc tiêm cho các đối tượng cần tiêm, trong đó có trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, tiếp tục nghiên cứu việc tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi, thực hiện mục tiêu đã được Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề ra, bảo đảm an toàn cho các em học sinh bước vào năm học mới, các phụ huynh yên tâm làm việc, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, cần hết sức cảnh giác, ứng phó kịp thời với các loại dịch bệnh theo mùa, như sốt xuất huyết, chân tay miệng,… nguy cơ từ các dịch bệnh trên thế giới có thể xâm nhập vào Việt Nam, như bệnh đậu mùa khỉ. Song song với việc phòng, chống dịch, cần làm tốt công tác điều trị các loại bệnh thường xuyên xuất hiện như tim mạch, ung thư… nhất là khi tuổi thọ của người dân tăng cao. Do đó, phải tăng cường năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, để người bệnh được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, chống khuynh hướng lơ là, chủ quan và cả hốt hoảng, lo sợ trước dịch bệnh.
Khẩn trương triển khai các nội dung với kinh phí 14.000 tỷ đồng
Các ý kiến tại cuộc họp đã phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở một số nơi. Trong đó, có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, trong đó có thuốc; giá cả đầu vào nguyên liệu tăng cao trên thế giới… Cùng với đó, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với thời gian trước khoảng 20-30%, ảnh hưởng đến việc xác định nhu cầu và triển khai kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng khẳng định, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Bên cạnh những việc đã làm được, Bộ Y tế cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.
Cụ thể, việc đấu thầu tập trung triển khai chậm, chưa kịp thời, chưa thực sự nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan. Các cơ quan cũng chưa thật tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế. Thủ tướng cho rằng phải tích cực hơn nữa, "lăn lộn với thực tế" để có giá thuốc phù hợp thị trường và người dân chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với đó, việc gia hạn các loại thuốc chậm; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm chưa tích cực; việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và với địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt, nhiều cán bộ còn sợ trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm.
Về giải pháp, Bộ Y tế cho biết đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, cấp phép nhanh nhất khi có đề nghị của các cơ sở nhập khẩu, cơ sở khám chữa bệnh đối với các thuốc hiếm về nguồn cung, sử dụng cho bệnh hiếm, nhu cầu điều trị của bệnh viện; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá...
Với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đề nghị trước mắt Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trên cơ sở đó chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, chỉ rõ các nội dung vướng mắc, nằm ở đâu, ai giải quyết.
Bộ Y tế khẩn trương triển khai các nội dung trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội dành cho ngành y tế với kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ triển khai theo đúng tinh thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền, xây dựng dự thảo nghị quyết để Chính phủ có nghị quyết chỉ đạo ngay về vấn đề này.
Bộ Y tế rà soát, cùng các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung tại Trung ương và địa phương, nếu có vướng mắc thì tham khảo ý kiến các bộ, ngành, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trên tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng, chống tiêu cực.
Bộ Y tế rà soát lại, chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước tại các đơn vị vị liên quan tới lĩnh vực dược, bảo đảm không chậm trễ cấp phép thuốc, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, trên tinh thần "bảo đảm an toàn cho người dân, người bệnh là trên hết, trước hết", theo các quy luật của cơ chế thị trường, góp phần giảm chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm.
Bộ Y tế, các cơ quan đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; quy định rõ ràng, minh bạch danh mục mua sắm tập trung và mua sắm phân cấp để các cấp, các đơn vị liên quan dễ thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế xem xét, bổ sung các văn bản, quy định liên quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, như quy định về đấu thầu, giá cả… hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để người thực hiện yên tâm, khuyến khích người dám nghĩ dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để phục vụ mua sắm, đấu thầu và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Bố trí đủ người làm việc "ở đâu có bệnh nhân ở đó phải có người chữa bệnh"
Về tình trạng một số cán bộ, nhân viên cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, các ý kiến tại cuộc họp chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu như thu nhập thấp so với các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao; áp lực công việc cao khi cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn trong phòng, chống dịch COVID-19...
Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề nhân lực ngành y phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cân đối, hài hòa với các lĩnh vực, ngành nghề khác.
Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp rà soát quy định về số lượng người làm việc, cơ cấu, tổ chức, bộ máy của các đơn vị trong ngành y; hoàn thiện các chính sách, xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn cho hợp tác công tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, thu hút y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Thứ hai, khẩn trương thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định; sớm rà soát, tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bọ Y tế, Bộ Nội vụ khẩn trương hướng dẫn thành lập các trạm y tế theo theo kết luận của Bộ Chính trị là không tổ chức trạm y tế theo đơn vị hành chính, mà theo quy mô dân số, khi số dân của một số phường tương đương một huyện.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế sớm đánh giá tình trạng mất cân đối về nhân lực, dự báo nhu cầu sắp tới, có phương án chủ động phù hợp để cân đối giữa các địa bàn, giữa các tuyến xã, huyện, tỉnh, giữa khám chữa bệnh và y tế dự phòng, giữa các chuyên ngành khác nhau…
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ bố trí đủ người làm việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nguyên tắc là "ở đâu có bệnh nhân ở đó phải có người chữa bệnh" trên cơ sở tính toán khoa học, hợp lý, hiệu quả.
Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi cho công chức, viên chức ngành y tế, bảo đảm tuân thủ quy định của Đảng; sớm ban hành chính sách hỗ trợ nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Bộ Y tế xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tầm nhìn dài hạn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, khen thưởng, biểu dương những người tốt, việc tốt, đồng thời tập trung sửa chữa, khắc phục những việc chưa làm được; đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân theo tinh thần "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm".
"Tôi rất chia sẻ với Bộ Y tế, ngành y tế. Bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả, thành tựu của ngành y tế, Bộ Y tế thời gian qua, đóng góp lớn trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Còn với những việc chưa được thì phải xử lý, khắc phục, nhưng không vì thế mà thiếu ý chí, trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân. Ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm. Tình hình càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng nhau xử lý", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng một lần nữa khẳng định, sai thì phải xử lý, đúng thì phải bảo vệ. Nếu các cơ quan, cá nhân thực sự vô tư, trong sáng, minh bạch, công khai và chống tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm thì các cấp, các cơ quan sẽ bảo vệ.