Ngày 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ Lào Bounthong Chitmany sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ Lào Bounthong Chitmany
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngay khi biết tin, Thủ tướng đã điện thoại trao đổi ngay với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith; khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và sớm ổn định cuộc sống bình thường.
Thủ tướng cho biết, đã quyết định hỗ trợ 200.000 USD cho Chính phủ Lào từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để khắc phục khẩn cấp hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu. Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hình thức hỗ trợ phía Lào tại hiện trường sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu.
Phó Thủ tướng Bounthong Chitmany, thay mặt Đảng, Nhà nước nhân dân Lào, gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời giúp nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập ở tỉnh Attapeu.
Phó Thủ tướng Bounthong Chitmany cho biết, đây là sự cố thiên tai có quy mô lớn chưa từng xảy ra tại Lào, gây thiệt hại hết sức nặng nề đến đời sống người dân và việc phát triển kinh tế xã hội của Lào. Sự cố diễn ra bất ngờ đã làm 10 bản bị ngập; trong đó có 3 bản bị xóa xổ hoàn toàn; khoảng 2.000 hộ gia đình với hơn 6.000 người dân đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Hiện tại có khoảng 130 người mất tích trong sự cố này.
Thông báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết quả tốt đẹp của cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Bounthong Chitmany cho biết thời gian qua, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ Thanh tra Chính phủ Lào trong mọi lĩnh vực, nhất là công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ thanh tra. Các hoạt động hợp tác này diễn ra hàng năm với số lượng ngày càng được nâng cao.
Thông báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm của Lào, Phó Thủ tướng Bounthong Chitmany cho biết Chính phủ Lào đang tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất cho cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư; trong đó có các nhà đầu tư từ Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hội đàm giữa đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ Lào và Thanh tra Chính phủ Việt Nam; nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, trong đó có việc tiếp nhận và đào tạo cán bộ thanh tra theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ Lào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Thanh tra Chính phủ hai nước tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc vun đắp, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào.
Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu
Sáng cùng ngày, tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu, ông Bernd Lange, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là "thời cơ vàng" cho việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và mong muốn hai bên thúc đẩy quá trình này để sớm ký kết vào cuối năm nay.
Thủ tướng vui mừng về quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam –EU thời gian qua, nhất là trong hợp tác thương mại và đầu tư với mức tăng trưởng cao. Các doanh nghiệp EU đều vui mừng phấn khởi khi làm ăn kinh doanh thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam.
Trong công cuộc đẩy mạnh cải cách hành chính tại Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng cho biết đều lắng nghe ý kiến của Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam.
Chủ tịch Bernd Lange bày tỏ vui mừng trở lại Việt Nam lần này để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-EU, cho rằng, Hiệp định EVFTA có vai trò tích cực trong thu hút đầu tư, không chỉ tạo sự ổn định mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cả hai bên.
Cho biết các văn kiện của Hiệp định này đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và EU hoàn tất, ông Bernd Lange mong muốn hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình này để sớm ký kết vào cuối năm nay. Hai bên cần thúc đẩy việc tuyên truyền, giúp các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao nhận thức về Hiệp định, các cơ hội và lợi ích có thể mang lại từ Hiệp định này, từ đó có những biện pháp chủ động tham gia.
Tán thành với ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị với EU. Bên cạnh, Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) đã đưa vào thực thi, Thủ tướng cho rằng, việc hai bên ký kết Hiệp định thương mại tự do thời gian tới sẽ là cột mốc quan trọng, đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới.
Thủ tướng cho rằng, cả Việt Nam và EU đều tin tưởng Hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao sẽ mang lại lợi ích thiết thực nhất cho doanh nghiệp và người dân hai bên.
Cảm ơn ông Bernd Lange nói riêng cũng như Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và các cơ quan liên quan nói chung đã luôn quan tâm, tạo thuận lợi cho việc đàm phán Hiệp định FTA, Thủ tướng cho rằng đây là thời cơ vàng để hai bên ký kết Hiệp định và mong muốn hai bên sẽ tiếp tục phối hợp, tạo thuận lợi để ký kết Hiệp định vào cuối năm nay.