Chuyến tham dự của Thủ tướng là cơ hội Việt Nam giới thiệu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết và đang đàm phán.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tối 22/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, theo lời mời của Chủ tịch sáng lập và điều hành WEF Klaus Schwab.
Tham gia Đoàn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Phạm Hải Bằng, Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng.
Hội nhập quốc tế sâu rộng
Với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, WEF Davos 2019 dự kiến thu hút khoảng 3.000 đại biểu, trong đó khoảng 50 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế tham dự.
Chương trình Diễn đàn WEF 2019 bao gồm hơn 400 buổi làm việc của lãnh đạo các chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và thế hệ trẻ, đến từ khắp nơi trên thế giới.
Hội nghị WEF Davos 2019 sẽ đánh giá tác động, triển vọng và thảo luận việc hợp tác, đối thoại để xử lý các vấn đề địa chính trị; đánh giá, thúc đẩy cải cách các khuôn khổ thể chế toàn cầu hiện nay để thích ứng với bối cảnh mới về chính trị, kinh tế và xã hội; định hình các quy định, khuôn khổ thể chế mới nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực…
Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế, đánh giá sự thay đổi mạnh mẽ về lao động, việc làm và thúc đẩy tư duy hệ thống nhằm cải thiện căn bản việc quản lý toàn diện môi trường sinh thái.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị WEF Davos 2019 sẽ quảng bá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; truyền tải thông điệp về đường lối, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Đây cũng là cơ hội Việt Nam giới thiệu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết và đang đàm phán, trong đó có Hiệp định CTTPP và sắp tới là Hiệp định EVFTA.
Trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2019, Việt Nam và WEF dự kiến sẽ ký kết Thỏa thuận hợp tác xây dựng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và Ý định thư về hợp tác trong vấn đề rác thải nhựa.
WEF sẽ hợp tác một số dự án quan trọng với Việt Nam
Trước thềm chuyến tham dự WEF Davos 2019 của Thủ tướng, PV TTXVN đã có cuộc PV ông Justin Wood, Giám đốc WEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Geneva.
Đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa WEF và Việt Nam trong năm vừa qua, ông Justin Wood khẳng định WEF đang có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam.
Mối quan hệ tốt đẹp này đặc biệt được thể hiện trong năm 2018, với điểm nhấn là Diễn đàn ASEAN-WEF. Đây là một sự kiện đáng nhớ tại Hà Nội khi quy tụ 1.200 khách mời đến từ các chính phủ, doanh nghiệp, giới học thuật, xã hội dân sự.
Theo ông Justin Wood, hiện nay, WEF và Việt Nam cũng đang cùng hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực với nhiều dự án đang được triển khai tại Việt Nam như trong ngành công nghiệp thực phẩm, với bài toán làm thế nào để nâng cao chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Hai bên cũng hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, và đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp gia tăng dòng tài chính đổ vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, WEF và Việt Nam cũng hợp tác trong lĩnh vực liên quan tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với các bài toán được đưa ra như tìm kiếm cách thức để chuyển thể các ứng dụng công nghệ, công nghệ số và nội hàm của cuộc cách mạng hiện nay đối với một nền kinh tế như Việt Nam.
Đề cập tới vấn đề hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận Đối tác công tư (PPP) được WEF và Bộ Ngoại giao Việt Nam ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại WEF ở Davos hồi năm 2017, Giám đốc WEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết hợp tác hiện nay giữa Việt Nam và WEF trong khuôn khổ PPP đã được triển khai sang năm thứ 3 và WEF sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để gia hạn hoạt động hợp tác tới năm 2020.
Ông Justin Wood nhấn mạnh PPP là thỏa thuận đặt nền tảng cho tất cả những gì WEF có thể hợp tác với Việt Nam và thỏa thuận này đã được hai bên triển khai hiệu quả với nhiều dự án như đã đề cập ở trên.
Tại Diễn đàn Davos năm nay, ông Justin Wood cho biết WEF sẽ mở rộng lĩnh vực hợp tác với Việt Nam và đó sẽ là bước đà để hai bên có thể xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong tương lai. Cụ thể, hai bên sẽ cùng ký kết 2 thỏa thuận đối tác quan trọng.
Thứ nhất là thỏa thuận về quản trị vấn đề rác thải nhựa - vấn đề mà ông Wood cho rằng tất cả các nền kinh tế đều vướng mắc. WEF đã phát triển các ý tưởng cùng nhiều dự án khác nhau nhằm đưa các doanh nghiệp và chính phủ xích lại gần nhau để quản trị vấn đề rác thải nhựa và xây dựng một nhận thức chung có trách nhiệm hơn đối với vấn đề rác thải nhựa, vì mục tiêu phát triển một nền kinh tế bền vững và có trách nhiệm hơn.
Theo Giám đốc WEF khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ mong muốn đưa những ý tưởng này về Việt Nam nhằm giúp Việt Nam quản lý nền kinh tế nhựa một cách hiệu quả nhất, cũng như chia sẻ những ý tưởng này với cả khu vực ASEAN. Khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, đây sẽ là cơ hội để những ý tưởng này được lan tỏa rộng ra toàn khu vực.
Thỏa thuận thứ hai mà WEF và Việt Nam sẽ ký kết là hợp tác trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tính tới thời điểm hiện tại, WEF đã xây dựng 4 Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) trên thế giới, với trụ sở chính đặt tại San Francisco, Mỹ. Ý tưởng đằng sau trung tâm này là kết nối chính phủ với những lãnh đạo doanh nghiệp để hợp tác nhằm tìm kiếm cách thức ứng xử với công nghệ theo cách có trách nhiệm nhất, đem lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội, cũng như đảm bảo rằng những công nghệ tiên tiến được khai thác đúng mục đích.
Ông Justin Wood là thành viên của Hội đồng điều hành WEF, đồng thời là Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức này từ năm 2015.
Ông từng là nhà báo và sau đó làm việc trong vòng 14 tại châu Á, trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Lần gần nhất ông đến Việt Nam là hồi tháng 11/2018 để thảo luận về quan hệ giữa WEF với Việt Nam, trong đó có khả năng thành lập một phân nhánh của Trung tâm C4IR tại Việt Nam.