Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng và luôn mong muốn tăng cường quan hệ với Myanmar, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của ASEAN và khu vực.
Như tin đã đưa, nhận lời mời của Tổng thống CHLB Myanmar U Win Myint, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường thăm chính thức Myanmar từ ngày 16-18/12.
Sáng nay, 17/12 (giờ địa phương), tại Nay Pyi Taw, lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Dinh Tổng thống Myanmar, nước láng giềng cùng trong khu vực Đông Nam Á. Tổng thống Win Myint chủ trì lễ đón.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống U Win Myint tại lễ đón chính thức được tổ chức ở Dinh Tổng thống Myanmar
Tổng thống của Myanmar đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại nơi đỗ xe và mời Thủ tướng đến bục danh dự. Quân nhạc cử quốc thiều Việt Nam và Myanmar.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Win Myint duyệt đội danh dự. Tiếp đến, hai nhà lãnh đạo giới thiệu các thành viên đoàn cấp cao Việt Nam và Myanmar.
Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Tổng thống U Win Myint.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống U Win Myint trước khi vào hội kiến
Tại buổi hội kiến, Tổng thống U Win Myint nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Myanmar, khẳng định chuyến thăm sẽ góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống trong suốt gần 45 năm qua và quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước hiện nay; cho rằng mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa hai dân tộc đã có từ lâu khi hai nước tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Ong San dẫn dắt; khẳng định Việt Nam luôn là người bạn tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ Myanmar.
Tổng thống U Win Myint gửi lời thăm hỏi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 vừa qua.
Tổng thống U Win Myint và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhận định quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, với nhiều chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực; đặc biệt, tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt, thông qua việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, cũng như tăng cường giao lưu nhân dân.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và luôn mong muốn tăng cường quan hệ với Myanmar, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của ASEAN và khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống U Win Myint
Tổng thống U Win Myint ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các kênh, kể cả kênh Đảng và Quốc hội, và trên nhiều lĩnh vực, nỗ lực đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, thiết thực hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2020.
Điểm lại hợp tác hai nước trên các lĩnh vực, hai nhà lãnh đạo đánh giá hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, nông nghiệp, du lịch, năng lượng, thông tin viễn thông... đã có nhiều thành tựu nổi bật. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại song phương năm 2019 dự kiến đạt trên 1 tỷ USD, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2020 và Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Myanmar.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các con số trên, mặc dù còn khiêm tốn nhưng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước; đề nghị Tổng thống U Win Myint tiếp tục chỉ đạo, đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myanmar, xem xét tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo cấp cao Myanmar với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myamar.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác có tác động tích cực đối với việc thắt chặt tình hữu nghị và giao lưu nhân dân như văn hóa, thể thao, du lịch, lao động và giáo dục-đào tạo...
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực. Tổng thống U Win Myint chúc mừng Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối.
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, là thành viên ASEAN, Việt Nam và Myanmar cùng các nước ASEAN cần tiếp tục ủng hộ lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông.
Sau khi hội kiến với Tổng thống Win Myint, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi để trao đổi những biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác truyền thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi gặp gỡ báo chí
Trưa cùng ngày, tại Nay Pyi Taw, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông báo kết quả hội đàm giữa hai bên.
Bà Aung San Suu Kyi cho biết, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quân sự, chính trị, đặc biệt là thương mại và đầu tư. “Chúng tôi vô cùng ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam đạt được. Ngài Thủ tướng vừa trao đổi với tôi, tỉ lệ đói nghèo của Việt Nam chỉ còn 1,5%, một thành tựu đáng kinh ngạc”, bà Aung San Suu Kyi nói. “Điều này rất quan trọng với những quốc gia như Myanmar và Việt Nam, bởi nâng cao đời sống của người dân là điều hết sức quan trọng. Myanmar mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này. Myanmar cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, nhất là khi hai nước có những điểm tương đồng về lịch sử và trải nghiệm tương đồng trong quá khứ".
Bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, cuộc hội đàm rất thành công, đề cập toàn diện các lĩnh vực hợp tác. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng. “Điểm sáng nhất mà chúng tôi ấn tượng là thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh. Đến năm nay, thương mại hai nước đã đạt trên mức dự kiến 1 tỷ USD và nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh trong lĩnh vực này”, Thủ tướng nói. Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước đầu tư vào Myanmar với trên 20 dự án đầu tư.
Hai bên đã thảo luận tháo gỡ các vấn đề đặt ra để thúc đẩy hợp tác đầu tư hơn nữa thời gian tới.
Hai bên cũng thảo luận hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại của hai nước, thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau ở các diễn đàn khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên đã thảo luận và ủng hộ lập trường của ASEAN về một Biển Đông hòa bình, thực hiện Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc. Myanmar ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy đoàn cấp cao, nhất là dịp Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, có mời Tổng thống và Cố vấn Nhà nước Myanmar thăm Việt Nam”, Thủ tướng nói. Việt Nam chia sẻ với Myanmar về vấn đề bang Rakhine thời gian qua và tiếp tục cùng các nước ASEAN hỗ trợ Myanmar giải quyết vấn đề này một cách hài hòa trên cơ sở hòa bình, hòa hợp dân tộc. “Chúng tôi tin tưởng chuyến thăm đóng góp mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác toàn diện, truyền thống, nâng lên tầm cao mới trong giai đoạn sắp tới”.