Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao

10/01/2024 08:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 9/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 1.

Thủ tướng dự Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Trước khi dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, kiểm tra Ga Hà Nội và đoàn tàu khách chất lượng cao của Tổng Công ty.

Nhiều dấu ấn đổi mới, kinh doanh bắt đầu có lãi

Công ty mẹ-Tổng Công ty Đường sắt hiện có vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng, tổng tài sản 14.660 tỷ đồng, tổng số lao động 22.041 người. Tổng công ty có 25 công ty con trong đó Công ty mẹ giữ cổ phần chi phối, 17 công ty liên doanh, liên kết.

Tổng Công ty hiện đang được Nhà nước giao quản lý hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có tổng chiều dài 3.143 km, 297 khu ga và tiếp nhận mới 6 khu ga (gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam), có 5 tuyến chính, trong đó có 2 tuyến liên vận quốc tế kết nối với đường sắt Trung Quốc và hệ thống cầu, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt.

Theo báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị, năm 2023, hoạt động của ngành đường sắt đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo; kinh doanh vận tải bắt đầu có lãi; đời sống vật chất, tinh thần người lao động được cải thiện rõ rệt.

Năm 2023, Tổng Công ty đạt doanh thu hợp nhất 8.503,8 tỷ đồng đạt 101,7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế: 94,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 111,9 tỷ đồng), đạt 115% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng đạt 105,2% so với cùng kỳ.

Tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt được kiểm soát giảm trên cả 3 tiêu chí (205 số vụ tai nạn, giảm 11 vụ (-5,1%); 81 người chết, giảm 05 người (-5,8%); bị thương 119 người, giảm 07 người (-5,6%)). Đã giảm được 1.205 lối đi tự mở băng qua đường sắt.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhấn mạnh nhiều dấu ấn của ngành trong 2023 như lần đầu tiên được đón Thủ tướng Chính phủ đến dự lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang-Sài Gòn ngay đầu năm; Bộ GTVT quyết định cho phép khai thác hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Kép sau 27 năm, khai trương tàu chuyên tuyến Thạch Gia Trang (Trung Quốc)-Yên Viên (Việt Nam).

Ngành cũng ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội-Đà Nẵng mang số hiệu SE19/20, đưa vào khai thác phòng đợi VIP. Ga Hà Nội còn cung cấp dịch vụ cho du khách ngay khi đến hoặc xuống ga có thể thuê xe máy để đi tham quan. Đặc biệt, ngày 22/12/2023 vừa qua, lần đầu tiên ngành đã đưa dịch vụ tổ chức lễ cưới cho khách hàng trên chuyến tàu Đà Lạt-Trại Mát.

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 2.

Thủ tướng có nhiều ấn tượng, cảm xúc và trăn trở với ngành đường sắt ngay từ khi nhậm chức với mong muốn vực dậy ngành này, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giao thông - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Công ty cũng phát động phong trào với phương châm "Mỗi cung đường-Một loài hoa; Mỗi khu ga-Một điểm đến", đến tháng 12/2023, toàn ngành đã trồng được gần 70 km cây, hoa các loại; thu dọn hàng nghìn tấn rác thải; môi trường khu ga và của người dân dọc 2 bên đường sắt đã được cải thiện rõ rệt.

Ngành cũng chính thức khai trương cà phê Hoả xa tại ga Long Biên, được đưa vào danh sách những điểm tham quan trên bản đồ du lịch Hà Nội. Cũng trong năm 2023, Đường sắt Việt Nam đã được giới thiệu trong cuốn "Amazing Train Journeys" của Lonely Planet- là ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Trong đó, tuyến đường sắt Bắc- Nam của Việt Nam được bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới. Tổng Công ty đang tích cực phối hợp với các đơn vị du lịch để cho ra mắt các sản phẩm du lịch mới để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế này.

Ngành cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, tăng cường việc mở rộng việc quảng bá, truyền thông, tương tác với khách hàng trên các nền tảng số như trên website, ứng dụng di động, mạng xã hội: Zalo, Facebook, Youtube…, thử nghiệm thành công ki-ốt bán vé tự động; ứng dụng mua sắm đặc sản vùng miền trên các đoàn tàu khách thông qua mã QR…

Hiện, Tổng Công ty đang tập trung vào việc nghiên cứu giải pháp xây dựng hệ thống mạng LAN nội bộ trên tàu nhằm tạo nền tảng cơ sở hạ tầng mạng cho các hệ thống, phần mềm dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng, đưa wifi lên tàu…

Tháng 11/2023, Tổng Công ty cùng Hà Nội tổ chức thành công lễ hội thiết kế, sáng tạo "Dòng chảy" tại nhiều địa điểm như tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, ga Gia Lâm, nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Đây là lần đầu tiên những "di sản sống" được giới thiệu tới người dân Thủ đô và du khách, thu hút được sự quan tâm đặc biệt. Với chuyến tàu đặc biệt mang tên "Hành trình Di sản" và nhiều hoạt động âm nhạc trải nghiệm trên tàu, trong 10 ngày diễn ra sự kiện đã có hơn 200.000 lượt du khách.

Năm 2024, toàn Tổng Công ty quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Tổng Công ty đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu Công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau so năm trước giai đoạn 2024-2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023-2025 là 327 tỷ đồng (so với lợi nhuận giai đoạn 2021-2022 là -1.194 tỷ đồng).

Cùng với đó, Tổng Công ty tích cực chuẩn bị cho đầu tư đường sắt tốc độ cao khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, như đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, chuẩn bị nhân lực chuyên ngành liên quan phục vụ việc khai thác, vận hành đường sắt tốc độ cao trong tương lai.

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 3.

Thủ tướng khẳng định: Việc phát triển đường sắt tốc độ cao "không làm không được", phải quyết tâm làm và sẽ làm được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

3 năm nay, ngành đường sắt đã khác hẳn

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông chủ động yêu cầu làm việc và tham dự Hội nghị của Tổng công ty. Lý do là thời gian qua, ông đã nhìn thấy sự thay đổi tích cực sau khi Tổng Công ty có ban lãnh đạo mới, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Thành viên Đặng Sỹ Mạnh. Mặt khác, ngành đường sắt đã trải qua hơn 140 năm hình thành và phát triển nhưng sự phát triển vẫn chưa xứng tầm với lịch sử và mong muốn của nhân dân.

Thủ tướng cũng cho biết đã có nhiều ấn tượng, cảm xúc và trăn trở với ngành đường sắt ngay từ khi nhậm chức với mong muốn vực dậy ngành này, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giao thông. Ngành đường sắt đã trải qua nhiều mô hình quản lý, phát triển, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện để giải quyết bài toán không thua lỗ, bảo toàn và phát triển về tài sản, nguồn tài chính và nhất là nguồn lực con người.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được với nhiều tiến bộ trong năm 2023 của Tổng Công ty, như doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty đạt 101,7% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 115% kế hoạch, thu nhập bình quân người lao động đạt 105,2% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 150% kế hoạch. Đặc biệt, Thủ tướng ấn tượng với phong trào, khẩu hiệu "Mỗi cung đường-Một loài hoa; Mỗi khu ga-Một điểm đến".

Tới Ga Hà Nội để "xem có gì mới", Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi với công nhân, hành khách đường sắt và được cho biết những đổi mới của ngành như các tòa tàu mới đẹp hơn, ga khang trang, sạch đẹp hơn, mua vé nhanh hơn, thuận tiện hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn… "Hành khách nói với tôi là đi tàu giờ sướng lắm. Người lao động nói lương và thu nhập "cũng đủ"", Thủ tướng thân tình chia sẻ với Hội nghị.

Thủ tướng đánh giá thời gian qua Tổng Công ty đã cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại cán bộ, cơ cấu lại cách làm và "3 năm nay đã khác hẳn". Những thay đổi của ngành đường sắt cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng…

"Cũng ngần ấy tài sản, cũng ngần ấy con người, cơ chế chính sách chưa thay đổi nhiều nhưng với cách làm mới, tư duy mới, cơ cấu lại nguồn vốn, quản trị, con người, lãnh đạo... thì chất lượng, hiệu quả, ý thức con người có thay đổi, từ lỗ chuyển sang lãi. Chúng ta không say sưa, thỏa mãn với những kết quả đạt được, lơ là, chủ quan với tình hình, nhưng từ khí thế này, chúng ta quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2023", Thủ tướng nói.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vấn đề tồn đọng tại nhiều dự án yếu kém, thua lỗ, kéo dài.

Bên cạnh những kết quả, Tổng Công ty Đường sắt còn một số tồn tại, hạn chế như mức độ cơ giới hóa chưa cao, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, đầu máy, toa xe hiện có chưa có khả năng đáp ứng nếu nâng cao tốc độ chạy tàu trên 100 km/h…

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 4.

Thủ tướng phát biểu giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành đường sắt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tạo khí thế mới, động lực mới với đột phá đường sắt tốc độ cao

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải có tư tưởng mới, quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới, tạo đột phá phát triển ngành đường sắt với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 178/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.

Kết luận số 49 đã đặt mục tiêu "Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn".

Đặc biệt, về chủ trương xây dựng, phát triển đường sắt tốc độ cao, Kết luận 49 yêu cầu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trước năm 2045.

Thủ tướng nhấn mạnh: Để thực hiện các mục tiêu này, tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Lựa chọn nào hiệu quả thì làm, ai làm hiệu quả thì giao việc, khi nào hiệu quả thì bắt đầu. Những băn khoăn, trăn trở, lo lắng về hệ thống đường sắt phải biến thành hành động, sản phẩm, chương trình, đề án, dự án cụ thể, mang lại thay đổi, hiệu quả cụ thể.

Thủ tướng cũng khẳng định, việc phát triển đường sắt tốc độ cao "không làm không được", phải quyết tâm làm và sẽ làm được. Bởi ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm "đi sau nhưng về trước", tận dụng lợi thế của người đi sau, đi nhanh hơn và bền vững hơn. Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng Công ty Đường sắt và các cơ quan liên quan quyết tâm trình để được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao.

Để huy động nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế thời đại, công nghệ hiện đại. Thủ tướng gợi ý, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, do đó, phải huy động hợp tác công-tư, tham khảo kinh nghiệm các nước, khai thác hiệu quả nguồn lực từ nguồn nhân lực 22.000 người, gần 300 nhà ga, nguồn lực đất đai, tiềm năng du lịch của cung đường sắt đẹp nhất thế giới…, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu củng cố, phát huy đoàn kết, thống nhất, quyết tâm trong nội bộ Tổng Công ty, trong ngành đường sắt, sự bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu; dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các cơ quan, hợp tác đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác như Tập đoàn Hóa chất, các doanh nghiệp du lịch…

Thủ tướng yêu cầu cần chú trọng phát huy các tiềm năng, lợi thế của ngành và thúc đẩy các động lực phát triển mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp và năng lực thực thi của cấp dưới, cắt giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không để cơ chế xin cho…

"Phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng phát biểu.

Tập trung triển khai 3 nội dung tái cơ cấu

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả sứ mệnh, vai trò nòng cốt trong quản lý, sử dụng khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại; khẩn trương triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; khẩn trương, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thành việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, ứng dụng thành công chuyển đổi số, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đẩy mạnh công tác đầu tư; chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề tồn đọng như liên quan dự án đường sắt Yên Viên-Hạ Long…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng với Tổng Công ty tập trung tái cơ cấu một số nội dung: Tái cơ cấu quản trị hiện đại phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và Tổng Công ty; cơ cấu lại và sử dụng tài sản, nguồn tài chính đang có một cách hiệu quả hơn, phù hợp hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn; sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với bố trí lại, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Tổng Công ty Đường sắt để tiến hành tái cơ cấu các nội dung nói trên, làm mới các động lực cũ, bổ sung thêm các động lực phát triển mới trong trong vận tải đường sắt; mở rộng, nâng cấp các nhà ga…

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến 2025 theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; chỉ đạo, theo dõi, giám sát Tổng Công triển khai chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2024; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty đến năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách với lĩnh vực đường sắt, nhất là đường sắt tốc độ cao. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu việc quy định chính sách về quản lý đất đai đường sắt trong quá trình hoàn thiện pháp luật về đất đai. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ (cơ khí, chế tạo, luyện kim...) giúp phát triển đường sắt nói chung, đường sắt tốc độ cao nói riêng.

Với các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan xử lý, giải quyết với tinh thần vướng mắc đâu thì tháo gỡ ở đó, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.

Với tinh thần trách nhiệm cao, với khí thế và niềm tin mạnh mẽ về bề dày lịch sử và truyền thống hào hùng của ngành đường sắt, kết quả đạt được của năm 2023 và các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo và tập thể người lao động Tổng Công ty Đường sắt đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt thành tích năm 2024 cao hơn năm 2023.

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 5.

Trước khi dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, kiểm tra Ga Hà Nội và đoàn tàu khách chất lượng cao của Tổng Công ty - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hệ thống bán vé tự động tại Ga Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 7.

Thủ tướng kiểm tra cơ sở vật chất của tàu khách chất lượng cao Hà Nội – Đà Nẵng (SE19) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 8.

Thủ tướng trao đổi với cán bộ, nhân viên Ga Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi hành khách tại Ga Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho nhân viên Ga Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao