Thủ tướng nêu rõ, chỉ khi lắng nghe đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, thì quyết sách mới sát và nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Thủ tướng: Chúng ta giữ cho mặt trận thứ hai về kinh tế không bị đứt gãy, giữ việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Sáng nay, 13/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành chuẩn bị hội nghị toàn quốc Chính phủ với các doanh nghiệp.
Tham dự có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, VCCI.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó mức độ thiệt hại đối với cộng đồng doanh nghiệp rất nặng nề, có những ngành bị ảnh hưởng rất lớn như du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống… Không chỉ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn chồng chất. Trước tình hình ấy, nếu không nhìn thấy, không có sự động viên, khích lệ, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự vươn lên của doanh nghiệp thì doanh nghiệp, nhân tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh, ở mặt trận thứ nhất, “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân đều là chiến sĩ trên mặt trận đó; xã phường, doanh nghiệp chính là các pháo đài chống dịch. Nhưng còn mặt trận quan trọng thứ hai mà ở đó, vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta phải đi vào mặt trận thứ hai, cần một chỉ đạo kép, đó là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó doanh nghiệp, doanh nhân là là chiến sĩ trong mặt trận này. Chúng ta giữ cho mặt trận thứ hai về kinh tế không bị đứt gãy, giữ việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết là yêu cầu cấp bách hiện nay. Chính vì thế chúng ta dựa vào toàn dân nhưng trước hết là doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của đất nước. Do đó, chúng ta cần thiết có hội nghị phục hồi nền kinh tế đất nước sau đại dịch".
Chính phủ sẽ lắng nghe doanh nghiệp để đưa ra quyết sách
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị sẽ đưa ra thông điệp của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục phục hồi sản xuất; tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn; khơi dậy khát vọng, tinh thần yêu nước của mọi thành phần kinh tế, vừa phát triển doanh nghiệp, vừa cùng chung sức, đồng lòng phát triển đất nước.
Trong đó, một nội dung quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nêu được các định hướng lớn về phát triển các loại hình doanh nghiệp, giữ nhịp độ phát triển của đất nước; nêu rõ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ vừa ban hành đến tận các doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu và áp dụng.
Thủ tướng nêu rõ, chỉ khi lắng nghe đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, thì quyết sách mới sát và nhanh chóng đi vào thực tiễn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp thì phải lắng nghe xem doanh nghiệp đã tiếp cận được các gói hỗ trợ này hay chưa.
"Chúng ta tiếp tục lắng nghe để có biện pháp nào trong thời gian tới. Những biện pháp như vậy đã bao quát chưa. Tôi nói có thứ vô hình mà Nhà nước có thể làm được mà không tốn tiền nhiều, đó là môi trường đầu tư kinh doanh. Sự chậm trễ, sự cửa quyền, sự rườm rà, phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Lần này có phải môi trường tốt để chúng ta cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không? Cơ chế nào ràng buộc, gây khó, chúng ta tháo gỡ như thế nào? Và đặc biệt là làm sao thu hút được phát triển, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kể cả dự án ODA vào Việt Nam", Thủ tướng nêu vấn đề.
Về sản phẩm sau hội nghị, Thủ tướng gợi ý, có thể là một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp…
Tại hội nghị, cần có báo cáo về tình hình doanh nghiệp hiện nay và các định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển các loại hình doanh nghiệp, giữ nhịp độ phát triển.
Nhấn mạnh, Thủ tướng sẽ trực tiếp đọc tất cả các tài liệu các bộ, ngành chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị các báo thật chất lượng, ngắn gọn, dễ hiểu để doanh nghiệp dễ dàng tiếp nhận. Trong đó cần nêu việc triển khai các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã ban hành; nêu bật lên nội dung tái cơ cấu của các ngành, lĩnh vực, các thị trường. Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cần chuẩn bị báo cáo tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp...
Thủ tướng nhất trí việc tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp và thời gian tổ chức vào thời điểm phù hợp, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh bởi bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất.
Cần có chương trình hành động cụ thể tiếp sức cho doanh nghiệp
Bày tỏ cảm ơn Thủ tướng sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, các chiến sĩ trên mặt trận chống suy giảm kinh tế, rất trông đợi sự kiện này, để làm sao có thể tận dụng được “thời gian vàng” phục hồi kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng sau hội nghị, cần có một chương trình hành động cụ thể tiếp sức cho doanh nghiệp trụ vững và có thể hồi phục trong thời gian tới. Chương trình này cần có có địa chỉ, có thời gian, có người thực hiện, có chế tài cụ thể.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trước hết, các bộ cũng phải tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, chứ không phải vấn đề gì cũng đẩy lên Thủ tướng; nhấn mạnh việc Chính phủ tiếp tục đổi mới trong điều hành thông qua áp dụng công nghệ, xây dựng Chính phủ điện tử.
Một số ý kiến đề xuất tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp để cộng đồng doanh nghiệp và người dân theo dõi.