Sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Đây cũng là hai đạo luật được đánh giá cao vì bao hàm nhiều quan điểm hết sức đổi mới theo hướng cởi mở, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập mới, 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi.
Những cải cách mạnh mẽ của 2 luật đã được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới ghi nhận trên các chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư. Mới đây, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 cũng ghi nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp có bước tiến lớn nhất và có điểm số cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI.
“Những kết quả này cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhất định ngay khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít vấn đề và vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Có ba nhóm vướng mắc cụ thể được nêu ra tại buổi làm việc:
Thứ nhất là sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư, Nghị định 118/2015/NĐ-CP và các luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư.
Thứ hai là việc tập hợp, rà soát và cải cách các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư. Trong đó, việc soạn thảo các nghị định có liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế các thông tư, quyết định của các bộ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 còn chậm; chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (hiện chỉ có Nghị định về điều kiện kinh doanh sản phẩm amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine), từ đó có nguy cơ tạo “khoảng trống pháp lý”.
Thứ ba là vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đã làm kéo dài thời gian, phát sinh thêm yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ, thậm chí làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành vẫn chưa thực hiện việc tập hợp và công bố công khai các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp theo đúng quy định liên quan của Luật Đầu tư. Ngoài ra, việc soạn thảo các văn bản có liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế các thông tư, quyết định của các bộ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 vẫn chậm được triển khai, gây khó khăn cho việc áp dụng Luật. Thêm vào đó, các bộ cũng chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trước tình trạng trên, ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ thống nhất nhiệm vụ phải ban hành gấp các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn 2 luật trên đúng thời hạn luật định, không để tồn tại “khoảng trống pháp lý”. Ngoài ra, cần áp dụng thủ tục rút gọn trong việc xây dựng, ban hành văn bản theo hướng có thể dùng một nghị định để sửa nhiều nghị định. Các bộ, ngành cũng cần tham mưu, báo cáo Chính phủ những vướng mắc giữa các luật để trình Quốc hội xem xét.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh.
"Không để có các giấy phép con, tạo thêm các điều kiện, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu gắn việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng lưu ý tăng cường vai trò của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; đội ngũ cán bộ, công chức phải phát huy tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
“Chúng ta có cải cách thủ tục hành chính tốt mà cán bộ thực hiện không tốt thì sẽ gây cản trở phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh, “Chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao thì hai Luật này mới đi vào cuộc sống đúng thời gian, không để khoảng trống pháp lý”.
Thủ tướng đã đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 Luật trên theo quy trình rút gọn (dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước 1/7/2016; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này.