Thủ tướng: Hoà Bình vẫn có tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

Xuân Lan| 11/12/2018 16:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp Hòa Bình vẫn còn phản ánh về tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; 63% phản ánh tỉnh ưu đãi doanh nghiệp lớn hơn là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thủ tướng: Hoà Bình vẫn có tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Sáng nay, 11/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình là địa phương từng được biết đến là cái nôi của người Việt cổ với nền văn hóa bốn Mường: Bi, Vang, Thàng, Động.

Vùng đất này còn là địa danh gắn liền với nhiều truyền thuyết độc đáo và hấp dẫn như Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước,” truyền thuyết ông Đùng, bà Đà, Út Lót-Hồ Liêu... và một tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch.

Hòa Bình có bốn khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng là Ngọc Sơn-Ngổ Luông; Thượng Tiến; Hang Kia-Pà Cò, và Pu Canh với hệ động, thực vật phong phú là tài nguyên lớn để phát triển du lịch sinh thái.

Đặc biệt, Hòa Bình có khu hồ sông Đà là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia.

Ngoài ra, Mai Châu cũng được xác định quy hoạch điểm du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 296 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó có hơn 70 hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền Văn hóa Hòa Bình. 

Các ý kiến thành viên đoàn công tác cho rằng, Hòa Bình có lợi thế giáp Thủ đô. Sự phát triển của Thủ đô sẽ lan tỏa đến Hòa Bình, đặc biệt khi có tuyến cao tốc vừa được đưa vào sử dụng. Điều quan trọng là xác định sản phẩm chủ chốt của Hòa Bình để tận dụng thị trường Hà Nội như nông sản sạch, hay du lịch, nghỉ dưỡng, trong đó có phát triển du lịch hồ Hòa Bình.

“Đường cao tốc đẹp nhưng không có điều chỉnh quy hoạch tốt thì sẽ phát triển tự phát”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường góp ý. Tỉnh cần có quy hoạch tầm cỡ, có thể mời tư vấn nước ngoài tham gia xây dựng.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng, là tỉnh thuộc vùng Thủ đô, cách Hà Nội khoảng 30 phút đi xe, Hòa Bình không nên chỉ so sánh với các tỉnh Tây Bắc khác. Tỉnh cần tận dụng lợi thế nằm trong vùng Thủ đô để phát triển.

Đánh giá cao những kết quả Hòa Bình đạt được thời gian qua như phát triển toàn diện, tốc độ cao, cơ cấu chuyển dịch tích cực, Thủ tướng chỉ ra, quy mô sản xuất kinh doanh nội địa còn nhỏ. Nội lực kinh tế và năng lực cạnh tranh còn thấp. Hầu hết doanh nghiệp tư nhân của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Hòa Bình có nhiều cố gắng vượt thu trong năm nay, rất đáng mừng nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu chi, Thủ tướng mong muốn tỉnh cần phấn đấu mạnh mẽ hơn.

Chỉ số PCI của tỉnh thường xuyên nằm ở nhóm sau trong 63 tỉnh, thành phố, năm qua, chỉ xếp hạng 52/63 địa phương. Theo Thủ tướng, doanh nghiệp Hòa Bình vẫn còn phản ánh về tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế (49% doanh  nghiệp cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân). Bên cạnh đó, 63% phản ánh tỉnh ưu đãi doanh nghiệp lớn hơn là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thủ tướng cho rằng, con người, đất đai, núi đồi, sông nước, đặc biệt là văn hóa của đồng bào Hòa Bình là một thế mạnh hiếm hoi, có giá trị trong phát triển lâu dài. Tỉnh cần tập trung vào một số lĩnh vực như du lịch, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch thực sự bởi có nhiều tiềm năng và lợi thế. Nhìn nhận hiện nay Hòa Bình chưa có đơn vị lữ hành mạnh, quảng bá giới thiệu, nối các tour tuyến, chưa có sản phẩm đặc sắc, Thủ tướng góp ý, tỉnh phải làm sao để du khách tới Hòa Bình “phải mua gì về, tay xách nách mang từ Hòa Bình về”.

Tỉnh phải phát triển nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Hòa Bình phải là những cánh rừng cam bạt ngàn. Phải phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ xuất khẩu, một tiềm năng rất lớn khi mà đất chưa có rừng lên tới hơn 112.800 ha, có khả năng cung cấp đến hơn 400.000 m3 gỗ hàng năm. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hữu cơ để cung ứng cho vùng Thủ đô cũng như hướng về xuất khẩu.

Tỉnh cần có quy hoạch tầm cỡ để không mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau trong phát triển. Phải thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

“Những khu vực như là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đô thị Phù Cát, Miếu Môn, Đại học Quốc gia, Làng văn hóa dân tộc… là một cực để hỗ trợ cho Hòa Bình phát triển thời gian đến”, Thủ tướng nói.

Hòa Bình cần có chương trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là vùng có nguy cơ, đồi Ông Tượng. Đây là vùng chân đập sông Đà, cần có nghiên cứu cơ bản, không chất tải thêm vào khu vực này. Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng nghiên cứu cơ bản khu vực này để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình khắc phục những tồn tại trong điều hành, tiếp thu những vấn đề mà các thành viên đoàn công tác nêu, nhất là về chỉ số cạnh tranh.

Hòa Bình cần chuẩn bị tâm thế quyết liệt, tinh thần tiến công trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, đặc biệt Nghị quyết 01 của Chính phủ về các biện pháp chỉ đạo, điều hành kinh tế xã hội năm 2019.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị cụ thể của Hòa Bình với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.

Theo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, năm nay, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đứng thứ 19 cả nước (8,36%) còn tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 12 (còn 14,9%). Tổng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình trong năm 2018 ước đạt 2,55 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế 310.000 lượt; khách nội địa 2,24 triệu lượt); thu nhập ước đạt 1.464 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.400 tỷ đồng, vượt 22% dự toán nhưng tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 12.160 tỷ đồng.

Cùng với đó, diễn biến bất thường của thời tiết đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đến sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Công tác quản lý đất đai còn một số hạn chế, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra. Chất lượng giáo dục chuyển biến không nhiều và có sự chênh lệch giữa các vùng; đặc biệt để xảy ra vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia. Vụ án sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa được giải quyết xong.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Hoà Bình vẫn có tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế