Quyết định trên được Thủ tướng đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định về những biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
Chiều 21/12, sau khi thị sát, thăm nhân dân vùng bị mưa lũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định về những biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết đây là trận lũ lịch sử ở Bình Định trong vòng 50 năm qua, làm 39 người chết và mất tích, 10 người bị thương. Thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính khoảng 1.965 tỷ đồng. Tỉnh đã tập trung lực lượng vào phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là di dời dân khỏi vùng nguy hiểm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định
Trước thiệt hại nặng nề do mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến ngày 17/12 với các bộ, ngành, địa phương bị ảnh hưởng để chỉ đạo khắc phục. Lãnh đạo các bộ, ngành đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống địa phương.
Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến nhân dân 8 tỉnh miền Trung và tỉnh Gia Lai, đặc biệt là tỉnh Bình Định, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất cũng như chuyển lời chia buồn sâu sắc tới những gia đình bị mất mát, thiệt hại trong thiên tai.
Thủ tướng biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Quân khu 5, các lực lượng vũ trang trên địa bàn và các lực lượng khác đã hỗ trợ, cứu dân; biểu dương các bộ, ngành chức và hoan nghênh các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ người dân các tỉnh bị thiệt hại, thể hiện đạo lý “nhường cơm sẻ áo” tốt đẹp của dân tộc.
Hiện lũ đã xuống, chỉ còn ngập lụt ở một số vùng thấp, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách trước mắt của Bình Định và các cơ quan liên quan là tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, tinh thần là không để hộ dân nào thiếu đói, bệnh tật do lũ lụt.
Bên cạnh đó, nước rút đến đâu cần khẩn trương triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường đến đấy, nhất là tiêu độc, khử trùng, bảo đảm nước sạch cho người dân. Nguy cơ dịch bệnh rất lớn khi số lượng gia súc, gia cầm chết nhiều, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các Sở, trung tâm y tế triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Chính quyền địa phương huy động các lực lượng như công an, quân đội, thanh niên ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổ chức khám bệnh cho bà con. Đặc biệt, cần hỗ trợ dựng lại nhà cửa bị đổ nát, sửa chữa nhà bị hư hỏng.
Thủ tướng thị sát, thăm hỏi đời sống người dân ở thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, nơi cũng chịu nhiều thiệt hại với nhiều mét đê sông Hà Thanh bị sạt lở
“Tôi đi kiểm tra thấy nhiều nơi nước đã rút nhưng mức độ tàn phá rất lớn. Do đó phải huy động lực lượng xử lý ngay. Tôi đề nghị tỉnh ra một chỉ thị hay thông báo yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức liên quan hỗ trợ người dân những vùng trọng điểm thiệt hại, đừng để người dân màn trời chiếu đất lúc khó khăn này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, nhất là khi có khả năng có đợt mưa mới. Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, địa phương để tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện về thực trạng thiên tai, mưa lũ, ngập lụt, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, làm rõ nguyên nhân, từ đó đề xuất các chương trình, dự án, giải pháp tổng thể, căn cơ, chứ không để tình trạng “nóng đâu phủi đó”.
“Vì sao có tình trạng ngập lũ nặng nề như thế. Do chất lượng rừng kém, khả năng giữ nước yếu, hay do cơ sở hạ tầng chưa phù hợp, chưa bảo đảm khả năng thoát nước, trong khi khu vực này thì hạn hán rất gay gắt còn mưa lũ thì nặng nề. Chúng ta phải nghiên cứu tổng thể vấn đề này, không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà cho cả về lâu dài, cho con cháu chúng ta”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra, xử lý các công trình chưa phù hợp, cản lũ hoặc ảnh hưởng đến an toàn các khu dân cư, không để tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng do các công trình giao thông. Chỗ nào cầu cống mà khẩu độ thoát nước không bảo đảm thì phải xử lý gấp.
Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nâng cao nhận chức cộng đồng với tinh thần chủ động phòng chống thiên tai của mỗi gia đình.
Trước kiến nghị của Bình Định về hỗ trợ khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại, đồng thời chỉ đạo khắc phục ngay các tuyến quốc lộ, bảo đảm giao thông thông suốt, chỗ nào hư hỏng thì phải sửa ngay, không để “ổ gà thành ổ trâu, ổ voi”.
Thủ tướng nhất trí bổ sung thêm 80 tỷ đồng để tỉnh có thêm khoản dự phòng ngân sách phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng như đồng ý cấp phát thêm 2.000 tấn gạo cho tỉnh để hỗ trợ người dân ăn Tết và lưu ý tỉnh hỗ trợ khẩn trương, đúng đối tượng.
Về kiến nghị miễn học phí học kỳ 2 năm học 2016 – 2017 và hỗ trợ sách vở cho 50.000 học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất cụ thể.