Thủ tướng: Doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn còn kêu nhiều về thủ tục hành chính

Xuân Lan| 09/03/2022 09:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

"Tôi có nhiều dịp gặp các doanh nghiệp trong và ngoài nước, họ vẫn còn kêu nhiều về thủ tục hành chính. Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách hành chính là chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả tham nhũng vặt", Thủ tướng nêu rõ.

thu-tuong-doanh-nghie-trong-va-ngoai-nuoc-van-con-keu-nhieu-ve-thu-tuc-hanh-chinh.jpg
Thủ tướng: Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách hành chính là chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả tham nhũng vặt

Sáng 9/3, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính Phủ họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Trưởng Ban chỉ đạo để đánh giá tình hình thực hiện công tác năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Cùng tham dự cuộc họp có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban thường trực; đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đột phá; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả chủ trương này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta phải cùng lúc thực hiện các nhiệm vụ tồn đọng từ trước, các nhiệm vụ thường xuyên, các nhiệm vụ khác với nhiều năm như tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kiện toàn bộ máy, nhân sự lãnh đạo các cấp, vừa phải giải quyết các vấn đề đột xuất, bất ngờ, nhất là đại dịch COVID-19 bùng phát trên cả nước.

Chúng ta vẫn hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 một cách toàn diện, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong thành tựu chung, có đóng góp quan trọng của công tác cải cách hành chính, trong đó có hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho tốt hơn.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, cải cách hành chính còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, thách thức, nên phải tiếp tục thúc đẩy công tác này để mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Phiên họp sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận Một cửa tại các bộ, ngành, địa phương, thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận thẳng thắn, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; chỉ ra những mặt được, chưa được trong công tác cải cách hành chính trong thời gian qua; nguyên nhân của hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nhấn mạnh công tác cải cách hành chính phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, mục tiêu và là động lực, Thủ tướng yêu cầu những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp quan tâm, góp ý thì phải cầu thị lắng nghe, nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

"Tôi có nhiều dịp gặp các doanh nghiệp trong và ngoài nước, họ vẫn còn kêu nhiều về thủ tục hành chính. Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách hành chính là chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả tham nhũng vặt", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các cơ quan cần phải tiếp tục suy nghĩ theo hướng đẩy mạnh cải cách, trước hết là đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách làm.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực hiệu quả của Ban Chỉ đạo và các thành viên, công tác cải cách hành chính năm 2021 có nhiều kết quả nổi bật. Đặc biết về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 2 luật và xem xét, cho ý kiến 6 dự án Luật. Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 200 nghị quyết, 139 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị. Các Bộ, ngành ban hành gần 800 thông tư…

Cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp: đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 07 bộ. Chỉ số về cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2021 trong bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 6 bậc.

Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa các cấp (thông qua Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa tại các bộ, ngành, địa phương) ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại: Chất lượng cung cấp dịch vụ công có nhiều cải thiện rõ nét; góp phần quan trọng trong việc phòng, chống các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, bức xúc cho người dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước thời gian qua.

Về tổ chức, bộ máy: Cơ cấu bộ, ngành giữ nguyên nhưng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trọng cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Giảm 7 tổ chức cấp sở; giảm 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở; đơn vị sự nghiệp công lập giảm 12,35% so với năm 2015

Chế độ công vụ có nhiều đổi mới tích cực: tăng cường phân cấp; cải cách thủ tục hành chính; đổi mới chính sách tuyển dụng; giảm biên chế đạt mục tiêu đề ra, đã giảm 10,01% biên chế công chức, giảm 11,67% biên chế sự nghiệp… Bộ Nội vụ có nhiều đổi mới, cải cách, như việc phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bỏ quy định bắt buộc về các chứng chỉ.

Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt nhiều bước tiến: từ việc ban hành các văn bản, xây dựng, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia, đến việc tổ chức thực hiện. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành Hệ thống CSDLQG về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội nhất là phục vụ bầu cử và phòng, chống dịch COVID-19. Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đều được quan tâm, tổ chức vận hành tốt, phát huy hiệu quả tích cực…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn còn kêu nhiều về thủ tục hành chính