Việc chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện một cách công bằng và công lý, sao cho doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam có lợi nhưng người dân Việt Nam cũng được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Ngày 29/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Alok Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 và Đoàn công tác của Vương quốc Anh thăm làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, hai bên cùng đánh giá biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cực đoan, khó lường và khó dự báo trên phạm vi toàn cầu, vì vậy, cần có tinh thần đoàn kết quốc tế và cách tiếp cận toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với tinh thần triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch giảm phát thải khí methane; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và nhiều văn bản quan trọng khác.
Việt Nam coi mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch và tái tạo là xu thế phát triển tất yếu của thế giới cũng như đối với Việt Nam, cũng là xuất phát từ chính lợi ích của nhân dân Việt Nam.
Để làm được điều này, nỗ lực trong nước là tiên quyết, đồng thời, hợp tác quốc tế là quan trọng và mang tính đột phá. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Vương quốc Anh và các đối tác phát triển trong quá trình đàm phán thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng cần hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, bên cạnh phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và chia sẻ kinh nghiệm.
Về công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đối tác phát triển hỗ trợ, chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, giúp Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo; hỗ trợ Việt Nam xây dựng bản đồ đánh giá chính xác tiềm năng điện mặt trời, điện gió (bao gồm trên bờ và ngoài khơi) trên các vùng miền. Về tài chính, các đối tác phát triển cần xem xét cho Việt Nam vay mức lãi suất hợp lý; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ để các nhà đầu tư khi phát triển các dự án năng lượng tái tạo bán điện với mức giá hợp lý, phù hợp với mức thu nhập của người dân Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước chịu tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện một cách công bằng và công lý, sao cho doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam có lợi nhưng người dân Việt Nam cũng được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Về phần mình, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét có lộ trình giảm nhiệt điện than phù hợp với điều kiện của Việt Nam với sự hỗ trợ của đối tác quốc tế. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quá trình đàm phán thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác trong đó có các nước thuộc Nhóm G7.
Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về những chia sẻ rất chân thành, thẳng thắn. Đồng thời, bày tỏ sự vui mừng được trở lại Việt Nam lần thứ ba trong 18 tháng qua và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các cam kết tại COP26.
Chủ tịch COP26 cho biết, ông sẽ chuyển thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về công bằng và công lý trong hợp tác chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu đến các đối tác phát triển và mong muốn Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng sẽ được thông qua nhân dịp COP27 tại Ai Cập vào cuối năm nay.