Thủ tướng "chốt" Hà Nội áp dụng nghiêm Chỉ thị 16 đến hết 30/4

Xuân Lan| 22/04/2020 18:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một số địa phương của Hà Nội có nguy cơ cao như Thường Tín, Mê Linh và một số nơi có nhiều ca nhiễm, do đó, áp dụng nghiêm Chỉ thị 16, Thủ tướng nêu rõ tại phiên họp chiều ngày 22/4.

Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp

Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để đánh giá lại kết quả triển khai Kết luận của Thủ tướng triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương theo 3 nhóm nguy cơ từ sau ngày 15/4 đến nay.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, người dân cả nước chờ đón quyết định cuối cùng của cuộc họp hôm nay để giải quyết các vấn đề phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quay trở lại.

Theo đó các đại biểu cần thảo luận các biện pháp trong thời gian tới theo hướng “mở cửa” nhưng đi liền với kiểm soát chặt chẽ để phòng dịch, cơ bản đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Cuộc họp cũng bàn thảo nội dung liên quan đến hình thức tổ chức dạy và học, các phương án thi tốt nghiệp, thi tuyển trên địa bàn cả nước trong thời gian tới.

Hà Nội kiến nghị vào nhóm nguy cơ

Theo đề xuất mới nhất của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp, trên cơ sở theo dõi sát diễn biến dịch bệnh thời gian qua, Ban Chỉ đạo đề xuất thay đổi phân nhóm nguy cơ các địa phương trong cả nước so với thời điểm ngày 15/4. Theo đó, Hà Nội là địa phương duy nhất thuộc nhóm có nguy cơ cao, 3 địa phương có nguy cơ (Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang) và 59 địa phương còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Tuy nhiên, tại cuộc họp với thường trực Chính phủ vào chiều 22/4, khi báo cáo Thủ tướng, đại diện Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép Hà Nội được xuống nhóm nguy cơ.

Đề xuất này của Hà Nội nhằm từng bước khởi động các mục tiêu phát triển  kinh tế của thành phố.

Theo ông Chung, nếu Hà Nội vẫn được xếp vào nhóm nguy cơ cao thì sẽ khó khăn cho các hoạt động của tỉnh ngoài đối với Hà Nội.

Đặc biệt, việc đi lại bằng hàng không giữa Hà Nội và TP.HCM cũng khó khăn khi một nơi thuộc nhóm có nguy cơ, còn một nơi thuộc nhóm nguy cơ cao.

Ông Chung cho biết, mặc dù đề nghị đưa Hà Nội vào nhóm nguy cơ, tuy nhiên Thành phố Hà Nội sẽ áp các biện pháp theo chỉ thị của Trung ương để đảm bảo khoanh vùng dập dịch tốt và không để lây lan trên cộng đồng.

Về vấn đề đi học trở lại, theo ông Chung, trong giai đoạn này học sinh chưa đi học, Hà Nội vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Hà Nội đưa ra kịch bản sau 1/5, các trường THPT, đại học, cao đẳng và trung tâm đào tạo nghề sẽ cho đi học trở lại sau nghỉ lễ, học sinh cấp 1 và mẫu giáo sẽ đi học sau đó 1 tuần tức là khoảng 11/5”, ông Chung nói.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Giao thông – Vận tải, Văn phòng Trun ương Đảng... tán thành đề xuất của Hà Nội, xếp Hà Nội vào nhóm có nguy cơ để thuận tiện cho các hoạt động khác.

Tuy nhiên, Thứ trường Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị vẫn đề Hà Nội ở nhóm nguy cơ cao để đảm bảo an toàn.

Xác định trạng thái bình thường mới

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận từ các bộ, ngành, địa phương và Ban Chỉ đạo, phát biểu kết luận phiên họp quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bộ Y tế, các bộ, ngành và toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt đạt kết quả đáng mừng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý đề cao tinh thần cảnh giác, chấp nhận tình trạng “sống trong trạng thái có dịch,” cần “nhận thức rõ ràng, không mơ hồ” và có các biện pháp xử lý trên cơ sở năng lực y tế của đất nước và địa phương.

Thủ tướng nhận xét, trong gần 3 tháng qua, cả nước đã kiên trì áp dụng các biện pháp mạnh, kết quả đến thời điểm này là đáng mừng. Đặc biệt là việc áp dụng chính sách cách ly xã hội đúng đắn, nhờ đó trong 6 ngày qua không phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới. Đây là một thắng lợi để chuyển sang một giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục ngăn chặn dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại.

“Phòng, chống dịch tốt ở Việt Nam, thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế xã hội,” Thủ tướng nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhắc lại chủ trương ngăn chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch tư bên trong, chữa trị tích cực các ca nhiễm. Thực hiện nghiêm cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam người bị nhiễm, nguy cơ cao; biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng nhưng cần đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ. Nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch sớm.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm cần “xác định trạng thái bình thường mới” như đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông...; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; huy động khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người.

Nếp sống mới, văn minh, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội; khẳng định khả năng tự lực tự cường của đất nước.

Người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến cơ quan, đơn vị, trường học và cần làm theo hướng dẫn của bác sỹ, không được để lây lan trong cộng đồng.

Đồng ý phân 3 nhóm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp

Thủ tướng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo đề xuất.

Theo đó, phân 3 nhóm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Hà Nội là địa phương có nguy cơ nhưng một số địa phương của Hà Nội là có nguy cơ cao như Thường Tín, Mê Linh và một số nơi có nhiều ca nhiễm, áp dụng nghiêm Chỉ thị 16.

Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng.

Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các khu vực này.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm để phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch.

Báo cáo cập nhật của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp ghi nhận 268 trường hợp mắc COVID-19 tại Việt Nam đến thời điểm 12h ngày 22/4. Không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 17/4/2020. Trong đó, 222 trường hợp đã khỏi bệnh, chiếm 83% tổng số bệnh nhân; 52 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh. 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20,91,161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây, 21 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 9 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).

Liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội: ghi nhận 13 trường hợp mắc Covid-19, không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 267 ngày 15/4; đã lập 12 chốt kiểm soát, tiếp tục khoanh vùng, cách ly toàn thôn; thành lập 74 tổ giám sát sức khoẻ người dân toàn thôn 2 lần/ ngày.

Đối với trường hợp bệnh nhân số 268 ghi nhận tại Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đã lấy 358 mẫu xét nghiệm, trong đó 302 mẫu có kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng "chốt" Hà Nội áp dụng nghiêm Chỉ thị 16 đến hết 30/4