Chính trị

Thủ tướng: C4IR - khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, năng động sáng tạo của dân tộc Việt Nam

Kim Sáng 25/09/2024 14:41

Ngày 25/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM và làm việc với các thành viên sáng lập của trung tâm.

Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Trung tâm C4IR của Malaysia, các đơn vị sáng lập trung tâm.

Trung tâm C4IR tại TP.HCM là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); là trung tâm C4IR thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Malaysia) và thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF.

Trụ sở Trung tâm được đặt tại Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP.HCM), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/9/2024.

Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và TP.HCM trong việc thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và WEF, đặc biệt là sự quan tâm, thúc đẩy của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ và GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập WEF.

z5865675990761_c578e97fd55d5c26f2db8f8b166c7e23.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP.

Trung tâm có 10 thành viên sáng lập, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM, Đại học Công nghệ Sài Gòn…

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Trung tâm C4IR tại TP.HCM sẽ tăng cường hợp tác với các trung tâm C4IR trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của thành phố, của vùng Đông Nam Bộ phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế, huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo ông Phan Văn Mãi, trung tâm sẽ vừa học hỏi, tham khảo kinh nghiệm các trung tâm C4IR đã có trên thế giới, vừa vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Việt Nam, thể hiện rõ nét tính chất hợp tác công tư.

z5865675990602_3c8b28a4c2cf520429255f6bfc9382ee.jpg
Thủ tướng gặp gỡ, làm việc với các thành viên tham gia sáng lập trung tâm. Ảnh: VGP

"TP.HCM sẽ cử nhân lực, đóng góp một phần tài chính tham gia ban đầu, nhưng các hoạt động của trung tâm sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp với nguồn lực, kinh nghiệm quản trị của khu vực tư", ông Mãi nói.

Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện quy chế hoạt động của trung tâm, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao trung tâm được thành lập trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF giai đoạn 2023 - 2026.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là kết quả của mối quan hệ ngày một phát triển giữa Việt Nam và WEF, trên tinh thần thiết thực, hiệu quả, phù hợp xu thế thời đại và điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực tích cực của lãnh đạo TP.HCM và cảm ơn lãnh đạo WEF, đặc biệt là GS. Klaus Schwab, các doanh nghiệp sáng lập, các đối tác quốc tế, các tổ chức và cá nhân đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc xây dựng trung tâm này.

z5865675978070_4f29bf07652844a741e0ceeda913f271.jpg
Thủ tướng chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: VGP.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra 6 ý nghĩa quan trọng của việc thành lập trung tâm. Đó là cụ thể hóa, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Trung ương; đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn trong phát triển đất nước; góp phần vào hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việc thành lập trung tâm cũng thể hiện vai trò tiên phong của TP.HCM – trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực; thể hiện khát vọng, niềm tự hào của đất nước, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, năng động sáng tạo của dân tộc Việt Nam; khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và WEF với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện.

Thời gian tới, để trung tâm hoạt động thiết thực, hiệu quả, phát huy vai trò, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành phải định hướng, xây dựng thể chế và có chính sách ưu tiên phát triển phù hợp; TP.HCM quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động của trung tâm nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Các doanh nghiệp, các nhà sáng lập hỗ trợ về nguồn lực tài chính, hạ tầng, nhân lực, quản trị. Trung tâm căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, chủ động, tích cực hoạt động có hiệu quả.

Thủ tướng gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào trung tâm trong 20 chữ: Tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân.

Trước đó, ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, đại diện Chính phủ Việt Nam và WEF đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023 - 2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Từ năm 2023-2024, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã chủ động làm việc với WEF và đi đến những kết quả như ký kết tuyên bố chung cho việc thành lập C4IR tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023 và ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm tại TP.HCM với WEF tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên vào tháng 1 năm 2024 tại Davos, Thuỵ Sỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: C4IR - khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, năng động sáng tạo của dân tộc Việt Nam