Thủ tục rút gọn trong pháp luật Việt Nam và vấn đề thành lập Tòa giản lược trong hệ thống TAND

Quang Trung| 30/05/2014 14:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay, trong hệ thống TAND chưa có Tòa chuyên trách hoặc những Thẩm phán chuyên trách được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ việc theo thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đều có quy định về những thủ tục riêng theo hướng “rút gọn” so với thủ tục tố tụng thông thường để giải quyết một số loại vụ việc cụ thể...

Thủ tục “rút gọn” trong tố tụng một số loại án

Theo quy định tại Điều 319 và Điều 320 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự ở cấp sơ thẩm, không mở rộng sang các giai đoạn xét xử phúc thẩm hay xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nếu vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm thì sẽ được giải quyết theo thủ tục chung.

Pháp luật cũng quy định, chỉ áp dụng thủ tục rút gọn khi hội tụ đầy đủ bốn điều kiện: (1) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; (2) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; (3) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; (4) Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. Về thời hạn tiến hành tố tụng đối với các vụ án theo thủ tục rút gọn là 30 ngày, trong đó thời hạn điều tra 12 ngày; thời hạn truy tố 4 ngày; thời hạn xét xử 14 ngày.

Trong tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng dành toàn bộ phần thứ Năm để quy định về thủ tục giải quyết việc dân sự - những loại việc mà các đương sự không có tranh chấp nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo các quy định tại phần này thì cũng có những thủ tục được thiết kế theo hướng “rút gọn” như: Một số việc được giải quyết bằng một Thẩm phán; thời hạn chuẩn bị giải quyết so với quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử được rút ngắn (thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không quá 30 ngày; thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, tuyên bố một người mất tích là 20 ngày...

Tòa án tiến hành giải quyết yêu cầu của đương sự bằng phiên họp và ra quyết định giải quyết; thời hạn kháng cáo đối với quyết định của Tòa án là 7 ngày; thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 7 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên là 15 ngày (bằng 1/2 thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án của Tòa án).

Trong tố tụng hành chính, thủ tục giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cũng được quy định có nội dung “rút gọn”. Theo quy định tại Điều 169, Điều 170 và Điều 172 của Luật Tố tụng hành chính, thì thời hạn giải quyết khiếu kiện là 2 ngày; không bắt buộc sự có mặt của đương sự tại phiên xét xử; bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay; đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

Thủ tục rút gọn trong pháp luật Việt Nam và vấn đề thành lập Tòa giản lược trong hệ thống TAND

HĐXX một phiên tòa sơ thẩm (ảnh minh họa)

Mới đây, tại phiên họp tháng 1/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, trong đó thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được giao cho một Thẩm phán thực hiện thông qua phiên họp; việc xem xét, giải quyết khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị được thực hiện tương tự như thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự nhưng do một Thẩm phán tiến hành.

Tòa giản lược sẽ nâng cao hiệu quả công tác của TAND

Như vậy, mặc dù cho đến nay trong hệ thống TAND chưa có Tòa chuyên trách hoặc những bộ phận chuyên trách giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo hướng “rút gọn”, nhưng trong pháp luật tố tụng và các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định những thủ tục riêng, có nội dung “rút gọn” như trên để Tòa án áp dụng giải quyết một số loại vụ việc cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả công tác Tòa án, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí trong quá trình tố tụng. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện thủ tục rút gọn trong tố tụng.

Về vấn đề thành lập Tòa giản lược trong hệ thống TAND, hiện nay TANDTC đang triển khai thực hiện các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, với mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, trong đó có đặt ra yêu cầu nghiên cứu việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực; xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định.

Theo đó, TAND sơ thẩm khu vực có thể được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh và có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo phương án này, tùy theo quy mô công việc và đội ngũ Thẩm phán có thể cân nhắc việc thành lập các Tòa hoặc phân toà giản lược trực thuộc TAND sơ thẩm khu vực để xét xử các vụ án và các tranh chấp nhỏ, có giá ngạch thấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính theo thủ tục rút gọn.

Tại trụ sở Tòa hoặc phân tòa giản lược cũng là nơi TAND sơ thẩm khu vực tổ chức tiếp công dân, thụ lý đơn và tổ chức xét xử lưu động các vụ án sơ thẩm khác. Trong trường hợp này, không cần thiết phải lập chi nhánh của TAND sơ thẩm khu vực ở những nơi có địa bàn xét xử rộng (trên cơ sở hợp nhất 2-3 Tòa án cấp huyện khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) vì đã có Tòa hoặc phân toà giản lược thuộc TAND sơ thẩm khu vực trên địa bàn của mỗi huyện.

Việc thành lập và tổ chức các Tòa hoặc phân tòa giản lược trực thuộc TAND sơ thẩm khu vực theo hướng này là phương thức để Tòa án giải quyết hiệu quả hơn các vụ việc thuộc thẩm quyền, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với hoạt động của Tòa án theo đúng tinh thần chỉ đạo đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục rút gọn trong pháp luật Việt Nam và vấn đề thành lập Tòa giản lược trong hệ thống TAND