Thu phí không dừng: Có thay đổi phương án tài chính các dự án BOT?

Quang Toàn| 18/05/2016 06:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi triển khai thu phí tự động, do đảm bảo tính minh bạch nên tổng chi phí xây dựng, lợi nhuận của nhà đầu tư xây dựng tuyến sẽ sớm được đảm bảo, rút ngắn thời gian thu phí dự kiến nguồn tiền thu phí qua trạm tăng lên tới 20% so với trước.

Trong Quyết định số 4390/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt, dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng đối với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Quốc lộ 1. Liên danh TASCO - VETC được Bộ Giao thông chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức 1.524 tỷ đồng.

Theo quyết định này, Bộ Giao thông Vận tải quy định mức thu phí không dừng (ETC) trong 3 năm đầu tiên, kể từ năm 2016, được tính bằng công thức: (số làn thu phí ETC tiếp nhận/tổng số làn thu phí) x mức phí quản lý tổ chức thu phí trong hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Từ năm thứ 4 đến năm thứ 8, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 8% tổng doanh thu của trạm. Từ năm thứ 9 đến năm thứ 13, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 9% trên tổng doanh thu của trạm và từ năm 14 trở đi, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 10% trên tổng doanh thu của trạm.

Thu phí không dừng: Có thay đổi phương án tài chính các dự án BOT?

Mô hình trạm thu phí không dừng. Ảnh nguồn Tasco

Quyết định số 4390/QĐ-BGTVT cũng nêu rõ, trước mắt, nhà đầu tư được hưởng giá dịch vụ thu phí ETC bằng với chi phí quản lý, tổ chức thu trong các hợp đồng BOT. Trường hợp mức chênh lệch doanh thu thực tế tại các trạm thu phí so với hợp đồng BOT không đủ bù đắp giá dịch vụ thu phí ETC còn thiếu, sẽ kéo dài thời gian thu phí của các dự án BOT sau khi đã hoàn vốn với thời gian thu phí kéo dài đủ để bù đắp giá dịch vụ thu phí ETC còn thiếu.

Theo tính toán, tại các dự án BOT, chi phí thu phí là 7-8 % (cũng có dự án chi phí này trên 10 - 20%) trên tổng số phí thu được, kéo dài toàn bộ dự án.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng - Phó Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, sở dĩ tỷ lệ trích thu cho thu phí tự động cao hơn so với hợp đồng BOT là do liên danh TASCO - VETC chỉ được thực hiện 28/37 trạm (9 trạm do Ngân hàng Vietinbank thực hiện). Trong khi đó, chi phí mua công nghệ thu phí hầu như không thay đổi nên chi phí đầu tư mỗi trạm sẽ tăng.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Huy, phương án giá ban đầu tính cho 37 trạm thấp hơn nhưng do số lượng trạm mà liên danh TASCO - VETC thực hiện ít hơn nên chi phí tăng. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là không để tăng tổng mức đầu tư. Khi triển khai thu phí các tuyến Quốc lộ khác sẽ giao cho liên doanh TASCO - VETC làm và tính toán lại để giảm chi phí thu phí tự động, từ đó giảm phí thu.

Về khả năng “kéo dài thời gian thu phí” trong phương án được Bộ Giao thông Vận tải nêu ra tại Quyết định 4390/QĐ-BGTVT, đại diện liên danh TASCO - VETC giải thích: Khi triển khai thu phí tự động, do đảm bảo tính minh bạch nên tổng chi phí xây dựng, lợi nhuận của nhà đầu tư xây dựng tuyến sẽ sớm được đảm bảo, rút ngắn thời gian thu phí dự kiến trong hợp đồng giữa nhà đầu tư đường và Bộ Giao thông Vận tải. Chẳng hạn, theo thống kê của Công ty TASCO (chủ đầu tư tuyến BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Bình), sau khi áp dụng thu phí tự động không dừng, nguồn tiền thu phí qua trạm tăng lên tới 20% so với trước (do giảm lao động, thất thoát vé...)

Tính toán trên lý thuyết là vậy, nhưng một số chuyên gia kinh tế phân tích, khi đạt được tổng thu, giảm thời gian thu phí, khả năng hoàn vốn của hạng mục đầu tư thu phí không dừng có thể không đạt cùng thời điểm chấm dứt thu này (do trên thực tế một số dự án, công ty BOT đã thu phí thủ công nhiều năm, quỹ thời gian thu không còn nhiều).

Như vậy, vấn đề đặt ra liệu dự án BOT nào sẽ phải tăng thời gian thu phí so với dự kiến trong hợp đồng BOT để bù đắp các chi phí phải trả khi thực hiện thu phí tự động không dừng. Điều này cũng dẫn đến phương án tài chính của các dự án này bị thay đổi.

Cũng đề cập về chi phí cho công tác thu phí tự động không dừng, dù công tác này mới đang chuẩn bị triển khai nhưng liên danh nhà đầu tư TASCO - VETC cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng) vào tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Lý do đưa ra là vì tiến độ Bộ Giao thông Vận tải đưa ra rất ngắn và cấp bách (dự kiến đến 1/7/2016 phải hoàn thành). Do đó, Liên danh TASCO – VETC phải thuê nhiều chuyên gia để hoàn thành công việc, dẫn đến chi phí tăng cao.

Như vậy, nếu đề nghị này được chấp thuận, ngoài tổng số vốn đầu tư cho dự án thu phí tự động không dừng là 1.524 tỷ đồng đã được phê duyệt, các dự án BOT cũng phải "cõng" thêm số tiền không nhỏ là 300 tỷ đồng. Nếu chia trung bình cho 28 dự án đang triển khai áp dụng thu phí tự động không dừng, mỗi dự án sẽ phải cộng thêm vào phương án tài chính tổng mức đầu tư trên 65 tỷ đồng. Điều này dẫn đến thời gian thu phí của mỗi dự án có thể bị thay đổi theo hướng tăng thời gian thu phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí không dừng: Có thay đổi phương án tài chính các dự án BOT?