Mấy hôm nay, “nhà công vụ” bỗng nổi lên như một vấn đề nhức nhối, dù quy định về nhà công vụ đã có hiệu lực từ ngày 6/3/2014 khi vấn đề quản lý nhà công vụ được chuyển giao từ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) sang Bộ Xây dựng.
Những người đang ở nhà công vụ, dù đã hết tiêu chuẩn, có nhiều lý do để biện giải. Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức bảo rằng: “đến giờ này chưa thấy cơ quan nào đưa cho tôi quyết định thu hồi lại nhà, cũng chưa có ai ở cơ quan nhà nước lên tiếng đòi nhà, và nhiều nhà công vụ cũng không ai đòi”. Ông Đức còn nói thêm: “Tôi cũng đồng ý nguyên tắc nhà công vụ là phải trả, nhưng bây giờ trả cho ai”.
Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo thì nại ra cơ chế chưa rõ ràng về nhà công vụ nên chưa thể trả lại. Bà Mai còn nói rằng, nhiều người sau khi nghỉ hưu trả nhà công vụ là do được cấp đất, cấp nhà; và bà đòi hỏi phải được nhìn nhận những hy sinh, đóng góp cho đất nước.
Có vị khác thì bảo rằng: do chưa có nhà, nên chưa trả lại nhà công vụ; khi nào có nhà sẽ trả lại ngay. Tuy vậy, cũng có vị khẳng định: nếu Bộ Xây dựng có quyết định thu hồi lại nhà công vụ sẽ trả ngay. Khẳng khái như nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Chí Liêm có lẽ là hiếm khi ông nói rằng, 1- 2 năm nữa, hết nhiệm vụ nhà nước giao, ông sẽ trả lại nhà công vụ chứ không cần ai nhắc nhở.
Lý do thì có rất nhiều, tuy nhiên chiếu theo Thông tư số 01/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 16/1/2014, có hiệu lực từ ngày 6/3/2014, một trong những điều kiện để thu hồi lại nhà công vụ là: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ. Thông tư nói trên cũng nói rất rõ về quy trình thu hồi nhà công vụ rằng: trên cơ sở Tờ trình đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở công vụ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ xem xét, nếu đủ điều kiện thu hồi thì ban hành Quyết định thu hồi nhà ở công vụ. Việc thu hồi này phải hoàn tất không quá 90 ngày từ ngày Quyết định thu hồi được ban hành. Trong trường hợp không thể thu hồi thì phải cưỡng chế, và việc cưỡng chế cũng không qúa 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.
Như thế có thể thấy, công cụ pháp lý đã có. Nhưng tình trạng chây ì trong việc giao trả nhà công vụ vẫn tồn tại như một… “nợ xấu”. Lý do từ phía những người đang sử dụng nhà công vụ thì đã rõ, nhưng trách nhiệm và tính quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà công vụ cũng cần phải được đặt ra như một nguyên nhân chủ yếu.
Các cơ quan quản lý nhà công vụ còn nể nang những quan chức về hưu, hay những quan chức về hưu lợi dụng sự nể nang này để từ từ biến nhà công vụ thành nhà tư? Hay tính tuân thủ pháp luật của các cơ quan quản lý và mọi người còn chưa được nâng cao? Đó cũng là những nguyên nhân xã hội cần phải được làm rõ.
Một vài đại biểu quốc hội đã lên tiếng về tình trạng này và yêu cầu phải công bố tên những người không chịu trả nhà công vụ, và cưỡng chế nếu cần thiết. Những biện pháp này có giải quyết được tận gốc vấn đề hay không có lẽ vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp khi tinh thần vị lợi ích chung vẫn chưa là kim chỉ nam trong hành động của nhiều “đầy tớ nhân dân”.
Chỉ chắc chắn một điều, tình trạng chây ì, không chịu giao trả nhà công vụ đã khiến dư luận đặt ra một câu hỏi: tại sao thu hồi nhà đất của dân vì lợi ích chung thì dễ, mà thu hồi nhà công vụ của các quan chức, cũng chỉ vì lợi ích chung, lại khó đến thế?