Tại buổi họp báo Chính phủ chiều nay 1/3, một số nội dung liên quan đến việc xử lý sau thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO và cổ phần hóa; Dự án xây dựng nhà ga T3, Nội bài;…đã được các cơ quan có trách nhiệm trả lời.
Đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an
Về những sai phạm tại Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty gang thép Thái Nguyên (TISO) đã nêu trong kết luận thanh tra, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, Dự án này được phê duyệt vào năm 2005, do TISCO làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng (hơn 242 triệu USD).
Dự án gồm 2 gói thầu chính, trong đó gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là trên 224 tỷ đồng; gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim đấu thầu rộng rãi. Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá hơn 160 triệu USD. Quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS), Bộ Công Thương và các đơn vị, cá nhân liên quan đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm, trong đó có việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng là không có cơ sở...
Phó tổng TTCP Bùi Ngọc Lam trả lời tại buổi họp báo
Ngày 14/02/2019, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Văn bản số 167/KL-TTCP về vấn đề này. Thanh tra Chính phủ đã công khai thông báo kết luận thanh tra và báo chí đã đưa tin.
Theo ông Bùi Ngọc Lam, trong kết luận này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị nhiều nội dung. Thứ nhất là liên quan đến giải pháp trước thực trạng của dự án mà qua thanh tra đã phát hiện, kể cả những giải pháp nhằm tháo gỡ, khắc phục. Kiến nghị với Thủ tướng và Thủ tướng đã đồng ý là đối với dự án đó thì tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý đối với dự án mà đã được Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 nằm chung trong tổng thể 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương. Tiếp đến, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ, ngành liên quan, cùng TISCO, VNS rà soát lại toàn bộ hợp đồng ký với nhà thầu Trung Quốc MCC, cần thiết thì khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Còn về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển hồ sơ và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xem xét xử lý.
Sẽ sớm thu hồi 75% cổ phần cảng Quy Nhơn
Còn về việc thực hiện kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, ông Lam cho biết: với chức năng nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp. Ngày 27/2/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan và Thanh tra Chính phủ để nghe báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận thanh tra, cũng như những khó khăn, vướng mắc.
Sau khi có kết luận, Bộ Giao thông Vận tải đã thu hồi 2 văn bản trước đây là Văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27/12/2014 và Văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20/5/2015 mà theo kết luận thanh tra là có nội dung không đúng với quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) trực tiếp làm việc việc với đại diện của các cổ đông trong Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn. Và giữa Vinalines và đại diện các cổ đông đã có rất nhiều phiên làm việc.
Đến nay các bên đã thống nhất về cơ bản là thực hiện các thủ tục để tiến hành chuyển giao 75,01% cổ phần mà trước đây Nhà nước thoái và thu hồi về cho Nhà nước. Vinalines đã chuẩn bị các điều kiện về tài chính để sẵn sàng thanh toán các khoản tiền trước đây các cổ đông đã thanh toán cho Vinalines…ông Lam cho biết.
Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì chỉ đạo Vinalines sớm khẩn trương tiếp nhận, quản lý đối với 75,01% cổ phần theo đúng quy định của pháp luật. Các bộ ngành tập trung xem xét tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm khẩn trương, minh bạch và đúng quy định, Phó tổng Thanh tra cho biết.
Cảng Quy Nhơn được thành lập từ đầu năm 1976, do Cục Đường biển trực tiếp quản lý. Cuối năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải chuyển cảng này từ Cục Đường biển về Vinalines. Doanh nghiệp này sau đó chuyển cảng Quy Nhơn thành Công ty TNHH MTV, hạch toán độc lập, là công ty con của Vinalines (Vinalines nắm giữ 100 vốn điều lệ). Năm 2013, DN chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với tên gọi Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,1%, còn lại các cổ đông nắm giữ 24,9%.
Theo kết luận thanh tra Chính phủ tại đây, cơ quan này đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá cảng Quy Nhơn. Cụ thể Bộ Giao thông đã bán trái phép cổ phần Nhà nước tại đơn vị này.
Về dự án nhà ga T3 Nội Bài
Liên quan đến việc thực hiện Dự án xây dựng nhà ga T3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: trên cơ sở quy hoạch chi tiết của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được phê duyệt, Chính phủ đã giao Bộ GTVT. Trước điều kiện đầu tư cấp bách do tình hình ách tắc cả trên bầu trời và dưới mặt đất của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga T3 là một trong những công trình ưu tiên kêu gọi đầu tư. Trên cơ sở quá trình đó đã công khai quy hoạch và hiện tại có ACV, đơn vị được giao quản lý khai thác cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đề nghị được đầu tư Nhà ga T3. Tuy nhiên từ 29/9/2018, ACV chuyển về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại DN và đã có việc các cơ quan xem xét chủ trương đầu tư dự án này, huy động vốn xã hội hoá, do đó liên quan đến cơ quan chủ quản quản lý DN đầu tư đó.
Tháng 2/2019, Bộ GTVT nhận được đề nghị của FLC. Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Nội dung này Bộ Công Thương đang tập hợp tất cả các đề xuất. ACV có nghiên cứu chi tiết tương tự đề án tiền khả thi còn FLC mới đề nghị chưa có nghiên cứu cụ thể. Tóm lại chúng tôi sẽ tập hợp lại và làm việc với các cơ quan của Chính phủ cũng như Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại DN để lựa chọn sớm nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Liên quan đến câu hỏi: Chính phủ vừa qua đã cho phép Vinachem dừng khai thác muối tại Lào, vậy việc xem xét trách nhiệm liên quan đến vấn đề này ra sao?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, đây là dự án theo sự đồng thuận và chỉ đạo của 2 Bộ Chính trị Việt Nam và Lào và đang mới bắt đầu giai đoạn đầu tư, nhưng xét thấy hiệu quả dự án không đạt kết quả dự toán (FS) ban đầu, Bộ Công Thương và chủ đầu tư là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đề xuất Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị đồng ý dừng đầu tư vào dự án muối mỏ tại Lào. Vấn đề này không chỉ kinh tế, mà cân nhắc vì quan hệ Việt Nam và Lào là rất đặc biệt được Bộ Chính trị 2 nước thống nhất.
Vấn đề này hiện đang thực hiện cùng với các Bộ, ngành liên quan trong đó Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN. Bộ Công Thương phối hợp tích cực cùng Vinachem thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, đúng quy định liên quan, bảo đảm thu hồi cao nhất tiền đầu tư dự án, trong đó có cả phương án bán bớt dự án nếu có thể bán được. Thứ hai, sẽ làm rõ trách nhiệm tập thể cá nhân liên quan để xử lý theo quy định hiện hành, ông Hải cho biết.