Thủ đô còn “dời” được, tính gì các tỉnh lẻ!

Ngân Thương| 14/04/2016 14:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bình Thuận, Ninh Thuận thuộc miền Tây là sơ xuất. Tất nhiên là như vậy rồi, chẳng ai thừa nhận mình yếu kém, cẩu thả và thiếu kiến thức cả.

Cuối cùng thì Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra “đáp án” cho đề thi học kỳ 2 môn Ngữ văn khối 12 năm học 2015-2016. Trước đó, học sinh thắc mắc, dư luận thắc mắc là tại sao người ra đề thi lại chuyển hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận về đồng bằng sông Cửu Long. Sở Giáo dục đã thừa nhận đó là sai sót, một sai sót có tính “dây chuyền”.

Bởi, người ra đề thi đã giải trình rằng, ông ta đã tham khảo thông tin trên một tờ báo. Và ví dụ, nếu có hỏi ông phóng viên, nhà báo nào đó thì chắc cũng nhận được câu trả lời tương tự rằng, họ đã tham khảo ở một cuốn sách hoặc trang mạng bất kỳ. Chúng ta thường xuyên có những sai sót như vậy nên việc ra đề thi có chút nhầm lẫn là chuyện hết sức bình thường!?

Thủ đô còn “dời” được, tính gì các tỉnh lẻ!

Đề thi sai sót vì chuyển Ninh Thuận, Bình Thuận về miền Tây

Trở lại thời gian tháng 5/2015 cũng có một sự nhầm lẫn tương tự nhưng mức độ thì nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chương trình gameshow truyền hình thực tế có cái tên nghe “sặc mùi” trinh thám “Điệp vụ tuyệt mật” phát sóng trên VTV đã khiến khán giả mắt chữ A, mồm chữ O vì Thủ đô Hà Nội được “dời” sang tận Trung Quốc.

Sai sót ồn ào này cũng nhanh chóng dịu xuống khi nhà đài tạm dừng phát sóng và đưa ra một lý do không thể khác hơn từ nhà sản xuất là do “lỗi kỹ thuật”. Và đó cũng là một sơ suất không đáng có!?

Sự thật là chúng ta đang đánh đồng giữa lỗ hổng kiến thức và sự cẩu thả, sơ suất. Đáng nói nó tồn tại trong chính ngành giáo dục. Sự cẩu thả đến mức một cuốn sách vừa bị thu hồi vì trả lời trẻ em rằng “lạc đà là loài chim to nhất” trên trái đất thì “lạy thầy cả nón”.

Chưa hết, trước đó, dự án sách "Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam" với mức đầu tư chi phí 240 tỷ đồng cũng bị phát hiện hàng loạt những lỗi sai sót, cẩu thả đến ngớ ngẩn. Hay như đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa với con số 34.000 tỷ mà nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận từng giải trình là do “sơ suất” khiến dư luận hiểu nhầm.

Còn nữa, đề thi Trạng nguyên cách đây mấy ngày cũng bị phát hiện sai sót nghiêm trọng trong đáp án cho câu hỏi: Đội Thiếu niên Tiền phong được mang tên Bác Hồ vào ngày nào? Cả 4 đáp án đưa ra, rất tiếc đều sai.

Khi xã hội mặc nhiên thừa nhận những lỗ hổng nhận thức và kiến thức là sự sơ suất, cẩu thả thì tương lai đất nước sẽ còn đối mặt với nhiều sơ suất khác, thậm chí là những sơ suất không thể cứu vãn.

Và để giải thích cho việc "chuyển" Ninh Thuận, Bình Thuận về miền Tây người ta sẽ tặc lưỡi bảo "Thủ đô còn dời được huống hồ hai tỉnh lẻ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô còn “dời” được, tính gì các tỉnh lẻ!